"Lễ hội Đình Hùng Lô" được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Khai mạc lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2022 Khai mạc Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sapa năm 2022 |
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tại Lễ hội Lê Hoàn 2022 |
Lễ tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Lê Đại Hành Hoàng đế diễn ra với các nghi lễ truyền thống như rước kiệu từ lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng Lê Đột về sân rồng đền thờ Lê Hoàn, sau đó là phần đại biểu dâng hương, đọc chúc văn tế lễ.
Phần hội bắt đầu với màn trống hội mang chủ đề "Hào khí xứ Thanh, tinh hoa hội tụ" và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa "Lê Hoàn một vị tướng-Một vị vua, văn võ kiêm toàn."
Lễ tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Lê Đại Hành Hoàng đế và Lễ hội Lê Hoàn là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện mở cửa du lịch của tỉnh Thanh Hóa, qua đó nhằm củng cố tư liệu, tài liệu phục vụ quá trình lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận các sinh hoạt văn hóa và Lễ hội Lê Hoàn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ông Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đánh trống khai mạc Lễ hội Lê Hoàn năm 2022. |
Lê Đại Hành Hoàng đế (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm 941 tại làng Trung Lập thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Năm 16 tuổi, ông tham gia vào đội quân cứu nước của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và trở thành một tướng tài, dẹp loạn 12 sứ quân.
Năm Kỷ Mão (979), sau biến cố cung đình (Đỗ Thích đầu độc Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn), Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, Lê Hoàn được triều đình cử làm nhiếp chính. Ông đã dốc hết sức để giữ vững triều chính nhưng quyền uy có hạn, nội bộ triều đình đã hình thành sự ngấm ngầm chia rẽ..
Khi giặc Tống sang xâm lược, đứng trước họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc. với tầm nhìn sâu rộng và tư tưởng chọn người đứng đầu trí dũng song toàn, được sự đồng thuận của ba quân tướng sĩ, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Năm 980, tướng quân Lê Hoàn chính thức lên ngôi, lúc ông vừa tròn 40 tuổi, đánh dấu sự ra đời của Vương triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc.
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Tiền Lê, đóng đô tại Hoa Lư, Ninh Bình là người đã có công lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Ông là người kế tục công cuộc dựng nước còn dang dở của Đinh Tiên Hoàng, xây dựng chính quyền nước Đại Cồ Việt vững mạnh ở thế kỷ X.
Đọc chúc văn tế lễ tại Lễ hội Lê Hoàn 2022. |
Trong suốt 24 năm trị vì, ông không chỉ “Phá Tống, bình Chiêm”, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Ông đã cho xây dựng nhiều cung điện ở kinh đô Hoa Lư, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tổ chức lễ cày tịch điền hàng năm để khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, cho quân sĩ đào đắp nhiều kênh, đê, mở mang đường sá…; là người đầu tiên tổ chức đào sông phục vụ sản xuất, phát triển giao thương đường thủy...
Giữa năm 1005, Hoàng đế Lê Đại Hành qua đời, thọ 65 tuổi. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, Nhân dân đã lập đền thờ tại làng Trung Lập. Năm 2018, Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, tri ân công đức Lê Đại Hành Hoàng đế và các bậc tiền nhân, ôngTrịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đánh trống khai mạc Lễ hội Lê Hoàn năm 2022.
Tiếp đó, Lễ hội đã diễn ra với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề: “Lê Hoàn – Một vị tướng - Một vị vua, văn võ kiêm toàn” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn thể hiện; tái hiện thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trò diễn dân gian truyền thống |
Trong khuôn khổ Lễ hội, từ ngày 6-8/4, UBND huyện Thọ xuân đã tổ chức không gian trình diễn các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng, nhảy sạp, bài điểm cũng như tổ chức Hội trại binh; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Lễ hội Lê Hoàn năm 2022 là dịp tuyên truyền, tri ân, tưởng nhớ công lao của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng đế; góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử; giáo dục truyền thống; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, xây dựng huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung phát triển “giàu mạnh, văn minh, kiểu mẫu”./.