Anh Hoàng Văn Lý trong một lần đi tác nghiệp |
Số phận trớ trêu
Hoàng Văn Lý sinh năm 1982, tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Anh sinh ra trong một gia đình có bố là người khiếm thị bẩm sinh. Và như là trò đùa trớ trêu của số phận, anh Lý và người em trai sinh sau đó 2 năm cũng bị khiếm thị bẩm sinh từ gen di truyền của bố.
Từ khi còn là một cậu bé, gia đình cho anh đi chữa chạy ở Hà Nội nhưng không khỏi. Anh vẫn đi học tại trường mầm non ở xã. Năm lên 7 tuổi, anh ra Hà Nội theo học tại trường trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu theo sự giới thiệu của xã.
Sự thay đổi môi trường vừa là động lực và cũng là nỗ lực không mệt mỏi của anh để thay đổi chính cuộc đời mình.
Anh Lý kể lại rằng, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với anh. Sống xa gia đình, bạn bè mới, môi trường mới, một đứa trẻ khiếm thị 7 tuổi phải tự lập tất cả. Anh bị trầm cảm một năm trời, gầy yếu, suy dinh dưỡng. Mẹ anh đến thăm, thương con nhưng bà cũng chỉ biết động viên con cố gắng để học tập và hòa nhập cùng bè bạn, thầy cô, trường học. Vì nếu không ở đây, trở về nhà, anh chỉ mãi mãi là một người khuyết tật chứ không ai có thể nâng đỡ anh đứng trên đôi chân của mình.
Bước chân đầu tiên đến với nghề báo
Không khuất phục trước số phận, anh Lý luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để có thêm kiến thức. Khi còn học cấp 2, anh thường giành được học bổng để có thể chi trả tiền ăn hàng tháng, anh lấy tiền tiết kiệm là khoản thù lao trong những chuyến đi biểu diễn mua một cái đài nhỏ để nghe những chương trình phát thanh, tiếp xúc với thế giới.
Lên cấp 3, trường công lập vẫn chưa nhận học sinh khiếm thị, may mắn anh được một thầy nhận vào trường dân lập dành cho người khiếm thị. Anh bắt đầu được làm biên tập nguyệt san Hoa Nắng. Điều ngẫu nhiên này là một sự may mắn khi từ đó ước mơ cháy bỏng được làm báo chuyên nghiệp dấy lên trong lòng chàng trai trẻ tuổi.
Năm 2003, anh Lý thi đỗ khoa Báo chí (Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Lên lớp nghe thầy cô giảng anh phải ghi âm, và chép lại bằng chữ nổi. Giáo trình quan trọng anh nhờ các bạn đọc vào băng ghi âm để anh về nghe. Hai năm đầu đại học là khoảng thời gian rất khó khăn, tài liệu khi chuyển sang audio thì đã gần đến ngày thi, có những tài liệu còn không kịp nghe hết. Khó khăn như vậy nhưng anh vẫn cố gắng phấn đấu. Ngay ở giảng đường đại học, anh Lý bắt đầu viết bài gửi một số cơ quan báo chí.
Khoảnh khắc đời thường của anh Hoàng Văn Lý |
Gần 20 năm viết báo bằng âm thanh
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lý cộng tác với tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập, sau đó bén duyên với phát thanh và trở thành phóng viên, biên tập viên của chuyên mục "Chuyện đêm" trong chương trình "Thức cùng VOV" phát trên sóng VOV1, chương trình "Nâng niu từng ngày" phát trên kênh VOV Sức khỏe.
Ấn tượng nhất là chương trình “Niềm tin ánh sáng”, chương trình dành riêng cho người khiếm thị được phát sóng trên kênh VOV giao thông. Để có được sự tin tưởng của ban biên tập, anh Lý tự tìm tòi cách sử dụng các phần mềm để dựng chương trình phát thanh, chủ động đề xuất đề tài, tự mình thực hiện đề tài đó,..
Lúc ấy mỗi tuần, chương trình có đến ba số phát sóng, một mình anh Lý không thể vừa đảm nhận công tác phóng viên và cả công tác sản xuất. Anh bắt đầu tự xây dựng đội ngũ cộng tác viên cho mình. Anh tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng viết tin bài phát thanh và dựng chương trình phát thanh cho rất nhiều bạn trẻ, trong đó có cả các bạn cộng tác viên là người khiếm thị.
Cũng từ đây, anh Lý trở thành người thầy đầu tiên truyền đạt kỹ năng làm báo cho các bạn trẻ tại CLB Báo chí tương lai - CLB dành cho những bạn trẻ khiếm thị đam mê làm báo.
Gần 20 năm viết báo chuyên nghiệp, dù không nhìn thấy “đứa con tinh thần” bằng mắt, anh phải sử dụng đến sự hỗ trợ từ phần mềm âm thanh nhưng anh Lý chưa một lần nản chí. Anh tâm sự, động lực duy nhất để anh không bỏ cuộc là những phản hồi tích cực của thính giả sau khi theo dõi các chương trình do anh thực hiện.
Vì nhiều lý do, tháng 9/2016, chương trình “Niềm tin ánh sáng” dừng phát sóng, anh chuyển sang làm chương trình thời sự, sức khỏe. Anh Lý tâm sự: “Đến một thời điểm, anh nghĩ anh nên dừng lại để xem lại khả năng của mình đến đâu. Có nhiều lý do cả chủ quan, cả khách quan, anh quyết định chuyển sang xây dựng những chương trình xã hội, tư vấn truyền thông và đào tạo cho người khiếm thị”. Anh Lý đã tự mình xây dựng những dự án truyền thông khác về người khiếm thị, nổi bật nhất là dự án “Đom đóm studio”. Gần đây, anh đảm nhận vai trò truyền thông cho cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” – cuộc thi khiêu vũ đầu tiên dành cho người khiếm thị tổ chức tại Hà Nội.
Giờ đây, anh Hoàng Văn Lý đang là Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Hàng ngày anh vẫn mầy mò với những con chữ, gửi đến người khuyết tật cả nước những thông điệp đáng trân quý của sự vươn lên để chiến thắng chính bản thân mình.