Giá hồ tiêu hôm nay 9/11/2022: Chững lại ở mức 58.500 - 62.000 đồng/kg Giá tiêu đang tăng ảo do đầu cơ bơm giá để xả hàng |
Năm 2022 nước ta xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn hồ tiêu. |
Số lượng không làm nên tất cả
Ngày 9/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về ngành hàng hồ tiêu Việt Nam. Đây là dịp để các nhà sản xuất hồ tiêu trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy phát triển ngành hồ tiêu trên thế giới.
Trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về diện tích hồ tiêu của Việt Nam, đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2017. Giá đạt đỉnh gần 230.000₫/kg trong giai đoạn này đã đóng góp hàng tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khi giá cả giảm dần từ năm 2018 đến tháng 3/2020, cùng với sâu bệnh tấn công đã khiến hồ tiêu Việt Nam gặp khủng hoảng. Diện tích hồ tiêu bị giảm đáng kể, từ gần 150.000 ha vào năm 2018 xuống còn 131.000 ha hiện nay.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, yêu cầu chất lượng của các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe. Do đó, để đảm bảo được giá trị ngành hàng, nâng cao chất lượng đã trở thành cấp thiết. Điều này cần được sự quan tâm đặc biệt từ ngành nông nghiệp và các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng.
Đại biểu tham quan các gian hàng hồ tiêu được trưng bày tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2022 nước ta xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn, chiếm đến 55% tổng sản lượng hồ tiêu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu còn rất nhiều việc phải làm.
“Thứ nhất là tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Thứ hai là áp dụng các công nghệ quản lý sản xuất, truy xuất và kết nối khách hàng để sự dụng các hệ thống đó cho hoạt động maketing. Thứ ba là định hướng lại chiến lược xây dựng lại hình ảnh tăng cường sự hiện diện một cách có chiến lược ở các thị trường chủ chốt, có chiến lược cụ thể và đo lường hiệu quả cụ thể về phát triển sản phẩm mới vào các thị trường cao cấp”, ông Vũ Bá Phú nói.
Cần nắm chắc những đòn bẩy hội nhập
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280.000 – 290.000 tấn (bao gồm sản lượng 175.000 tấn; nhập khẩu 40.000 tấn và 80.000 tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang).
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu Việt Nam năm 2020 đạt 130.838 ha, tập trung chủ yếu ở 6 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước. Tuy nhiên diện tích này có thể giảm trong năm 2021 và 2022. Ước sản lượng Hồ tiêu Việt Nam năm 2022 đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021. Sản lượng hồ tiêu Việt Nam đứng thứ 1 trên thế giới và chiếm 35% so với toàn cầu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hiện nay ngành tiêu đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.
Đáng chú ý, hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang Ai Cập và Pakistan đang khó khăn trong thanh toán. Hàng đã tới nơi nhưng bị “treo” lại vài tháng, chưa biết khi nào mới được thanh toán. Các doanh nghiệp đang phải chịu phí lưu container tại bãi.
Các sản phẩm hồ tiêu Việt Nam thụ hút sự quan tâm của các nhà phân phối Pháp. |
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng để khai thác tốt FTAs trước môi trường kinh tế thế giới có nhiều biến động vẫn còn là bài toán khó đối với doanh nghiệp.
Do đó, vai trò của các thương vụ tại nước ngoài rất quan trọng trong vấn đề cung cấp thông tin thị trường đến doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh được những rủi ro, những tranh chấp với đối tác, nhất là trong bối cảnh GDP Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Đặc biệt, khi phát sinh vấn đề, phía thương vụ cũng nỗ lực phối hợp với các bên, đặc biệt là doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tranh thị trường xuất khẩu hồ tiêu không hoàn toàn màu tối. Quy mô thị trường hạt tiêu đen toàn cầu ước đạt trị giá 3.159 triệu USD vào năm 2021 và dự báo, thị trường sẽ điều chỉnh lại quy mô lên 4.184,2 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2022 – 2028.
Thị trường tiêu đen chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ngành công nghiệp thực phẩm chế biến đang phát triển. Sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm bánh mì, bánh kẹo, đồ ăn sẵn và đồ chiên rán ở các nền kinh tế phát triển đang thúc đẩy thị trường gia vị. Song song đó, xu hướng sử dụng chất điều vị tự nhiên gần đây cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu đen toàn cầu. Sự tăng trưởng của mặt hàng này trong thời gian tới mở thêm cơ hội cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9/2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13,86 nghìn tấn, trị giá 56,83 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá. Đây là những con số cho thấy những áp lực cho hồ tiêu Việt Nam./.