Cần cái bắt tay hàng không - du lịch để thu hút khách Tăng thêm 2.000 chuyến bay sau 21h dịp 30/4 và cao điểm hè Nhiều chặng bay đã kín chỗ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 |
Nhu cầu vé máy bay dịp lễ tăng cao, hàng không vẫn khó giảm giá vé. |
Giá vé máy bay cao ngất ngưởng
Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đến thời điểm hiện tại, nhiều chặng bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới đã kín chỗ. Ở những chặng bay còn vé, giá vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu giảm dù các hãng hàng không đã tăng thêm nhiều chuyến bay nội địa đi đến nhiều điểm du lịch.
Khảo sát trên website bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không trên một số chặng bay cho thấy, giá vé máy bay các chặng còn chỗ trống từ TP. Hồ Chí Minh/Hà Nội đến các tỉnh/thành giai đoạn 26/4 - 1/5 hiện vẫn neo cao.
Cụ thể, chặng TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội có giá 3,2 - 4,8 triệu đồng/khứ hồi của tất cả các hãng với nhiều khung giờ bay khác nhau. Chặng TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hoá cũng còn vé trong cao điểm với giá vé dao động khoảng 3,9 - 5,1 triệu đồng
Vé từ TP. Hồ Chí Minh đi Phú Quốc ngày 26/4 đã hết nhưng nếu bay ngày đi ngày 27/4 và bay về ngày 1/5, hành khách vẫn còn nhiều lựa chọn với giá 3,2 - 3,7 triệu đồng. Nếu bay đến Nha Trang, hành khách phải trả 2,8 - 3,4 triệu đồng.
Các chuyến bay đến Côn Đảo từ TP. Hồ Chí Minh dịp lễ vẫn còn ghế trống tại nhiều chuyến bay có giá 4,7 triệu đồng từ Vietnam Airlines. Chặng TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng cũng còn vé ở mức 4 - 4,8 triệu đồng của tất cả các hãng.
Từ Hà Nội, hành khách muốn đi du lịch vào "phút chót" có thể bay đến Nha Trang với giá thấp nhất là 5,4 triệu đồng của Vietjet. Vé của Bamboo Airways và Vietnam Airlines ở mức 5,6 - 6,3 triệu đồng.
Ngoài ra, hành khách cũng có thể bay đến Đà Nẵng với mức giá 3,6 - 4,3 triệu đồng của tất cả các hãng. Chặng Hà Nội - Đà Lạt cũng còn vé với mức giá 3,6 - 4,8 triệu đồng của Vietjet và Bamboo Airways.
Đâu là nguyên nhân?
Giá vé máy bay đang quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam. |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu theo cách tính GDP bình quân đầu người của mỗi nước (số liệu World Bank 2022), Việt Nam là 4.163 USD, Thái Lan là 6.910 USD, Mỹ là 76.330 USD, Australia là 65.100 USD. Vậy với cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày. Như vậy, giá vé là quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.
Nói về nguyên nhân khiến giá vé máy bay ở Việt Nam tăng cao, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lượng hành khách của các đường bay không ổn định, lưu lượng người đi máy bay từng thời điểm cũng không ổn định. Thứ hai, theo ông Thịnh, việc mở đường bay cũng đòi hỏi các quy định khắt khe. Với các đường bay dù ít khách vẫn phải duy trì bay theo tần suất 1 – 2 chuyến/tuần khiến chi phí phát sinh tăng cao.
“Theo quy định, những đường bay dù ít khách, hãng hàng không vẫn phải duy trì bay, dù lỗ vẫn phải bay. Do đó, các đường bay có lượng khách đông cũng không đủ để hãng bù lỗ cho đường bay vắng khách”, PGS Đinh Trọng Thịnh nêu.
Bản chất vấn đề ở đây là các hãng hàng không đều phải dùng USD để chi tiêu cho các chi phí hoạt động hàng không từ thuê máy bay, sân đỗ, cất hạ cánh, điều hành bay... để đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế quy định. Vì hàng không liên quan tới an toàn bay, phải đảm bảo độ chính xác 100%. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng nên giá vé máy bay cao.
Mặt khác, hiện nay, hàng không đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng dẫn tới tình trạng giá vé máy bay tăng cao và khan hiếm. Theo các hãng hàng không, từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321Neo để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất.
Tại Việt Nam, việc nhà sản xuất PW yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet khai thác đã khiến ngành hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng.
Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.
Nói về việc khắc phục tình trạng thiếu hụt máy bay, mở rộng thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, trên thực tế, chúng ta đã có nhiều hãng bay mới đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, giai đoạn dịch bệnh khiến cho đứt gãy chuỗi cung ứng, rất nhiều biến động xảy ra đã trì hoãn và gây khó khăn cho các hãng hàng không mới. Do đó, rất hy vọng khi thị trường dần ổn định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện hấp dẫn cho nhiều hãng hàng không mới ra đời, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ.
Kiến nghị giải pháp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hoạt động hàng không có nhiều vấn đề cần tính toán khoa học để giảm thiểu tối đa chi phí. Cụ thể, cần tính toán kết nối với các công ty du lịch, địa phương, hãng vận tải chuyển tiếp để có mạng lưới phục vụ hành khách, tăng hiệu quả hoạt động. Về phía Nhà nước, mặc dù ngành hàng không đã có bước phục hồi nhưng cơ quan Nhà nước có thể tính toán hỗ trợ để doanh nghiệp hàng không phục hồi và phát triển.
Trần giá vé máy bay tăng, du lịch nội địa liệu có gặp khó? |
Giá vé máy bay nội địa giảm mạnh |
Bộ GTVT yêu cầu xử phạt hãng bay tăng giá vé trái quy định |