Bộ Công Thương lý giải về giá phân bón tăng mạnh Giá phân bón tăng mạnh 30% Giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến |
Đâu là nguyên nhân?
Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 2,8 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 802,7 triệu USD, giá trung bình 284 USD/tấn, tăng 20,1% về khối lượng, 36,6% về kim ngạch và 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu tổng hợp từ thị trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá phân bón sản xuất trong nước tính đến ngày 8/8/2021 đã tăng rất cao so với tháng 1/2021, thậm chí có loại tăng hơn 80%.
Phân bón trong nước dư thừa, giá vẫn cao ngất ngưởng |
Lý giải về việc giá phân bón tăng trong thời qua, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho rằng giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc ... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh...
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) Phùng Hà, giá phân bón tăng cao là do các nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của thế giới tăng rất cao.
Cụ thể, lưu huỳnh tăng trên 70% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019; amoniac tăng gấp 2 lần, kéo theo đó là những phân bón đơn, như ure, DAP, super lân… tăng giá theo.
Nguồn cung phân bón không thiếu
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất phân bón trong nước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, số lượng phân bón nhập khẩu cũng tăng khoảng 6%. Sản xuất tăng, nhập khẩu tăng và nhu cầu sử dụng không tăng, giữ ổn định so với năm 2020, thậm chí còn giảm bởi trong chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều diện tích trồng trọt đã chuyển đổi sang mục đích khác.
"Với cung - cầu như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định nguồn cung phân bón của chúng ta không thiếu. Không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư. Chúng tôi đồng ý giá phân bón tăng là do giá nguyên liệu và cước vận tải tăng, nhưng việc tăng tới 50-80% chỉ trong vòng nửa năm là hết sức phi lý", ông Hoàng Trung cho hay.
Giá phân bón tăng "phi mã" sẽ "ăn" hết lợi nhuận của nông dân |
Giá phân bón tăng "phi mã" trước mắt làm giảm động lực sản xuất vụ mới và về lâu dài ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập của nông dân. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào leo thang, Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân cần sử dụng tiết kiệm các loại phân bón, không vượt quá nhu cầu của cây trồng. Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng phân bón, sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ tại chỗ giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt |
Đề nghị kiểm tra hiện tượng đầu cơ trục lợi
Trao đổi về vấn đề giá phân bón, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đồng tình với nguyên nhân phân bón tăng giá là do tác động của giá nguyên liệu trên thế giới. Song ông Thọ cho rằng các nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm một tỷ lệ ít trong các nguyên liệu sản xuất phân bón, vấn đề tăng giá quá cao cần sự giải thích cho rõ và đầy đủ.
"Giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến người nông dân trồng lúa. Dẫn chứng là chi phí cho phân bón tăng từ 30-50%, trong khi giá lúa bán chỉ được 5.000 - 5.300 đồng/kg nên lợi nhuận chỉ còn lại vài trăm đồng, thậm chí thua lỗ", ông Trương Kiến Thọ cho hay.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: "Bộ Công Thương đã khẳng định sản lượng sản xuất phân bón trong nước và nhập khẩu đều tăng, nguồn cung không thiếu nhưng giá phân bón vẫn tăng cao. Nguyên nhân là chi phí nguyên liệu đầu vào cao. Sở NN&PTNT đề nghị kiểm tra xem có hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa, đầu cơ trục lợi để xử lý tận gốc".
Hạn chế xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước
Để góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã cùng thống nhất một số giải pháp.
Trước hết, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tăng tối đa công suất, minh bạch giá cả ra khỏi nhà máy, đường cung ứng, phân phối rõ rang đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân, loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.
Đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế, lùi lại các hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ có văn bản chỉ đạo địa phương hướng dẫn người dân duy trì sản xuất theo hướng sử dụng phân bón tiết kiệm, thực hiện kỹ thuật "3 giảm 3 tăng".
Hai Bộ cũng sẽ cùng thống nhất có văn bản đề xuất giải pháp trình lên Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp tăng thuế xuất khẩu để kiềm chế xuất khẩu phân bón, giảm thuế cho các doanh nghiệp phân bón và tháo gỡ các điểm nghẽn lưu thông vận chuyển để hạ giá thành, đồng thời kiểm tra gắt gao thị trường để ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi.