Giá cà phê hôm nay đảo chiều tăng 100 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (18/10), ghi nhận tăng thêm 100 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 63.600 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 63.800 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 63.300 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 63.600 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 63.800 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 63.800 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2023 được ghi nhận tại mức 2.393 USD/tấn sau khi tăng 0,21% (tương đương 5 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2023 tại New York ở mức 154,15 US cent/pound sau khi giảm 0,48% (tương đương 0,75 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h50 (giờ Việt Nam).
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 16/100, giá Arabica đảo chiều giảm sau 6 phiên tăng liên tiếp, đóng cửa giá thấp hơn tham chiếu 0,48%. Tình hình nguồn cung cà phê tại Brazil đang chuyển dịch theo hướng tích cực, từ đó gây sức ép lên giá.
Thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), trong 13 ngày đầu tháng 10 đã có 1,65 triệu bao cà phê loại 60kg được xuất đi, cao hơn mức 1,33 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong đó, Arabica dạng hạt là dòng cà phê có sự gia tăng mạnh nhất, với 1,36 triệu bao đã xuất khẩu, tăng 33,33 % so với 1,02 triệu bao trong 13 ngày đầu tháng 9 năm 2022.
Đồng thời, mưa đang quay trở lại và nhiệt độ dịu dần tại vùng trồng cà phê chính của Brazil. Điều này tạo sự thuận lợi cho quá trình phát triển của cây cà phê và đưa đến triển vọng sản lượng tốt trong niên vụ 2024/25.
Ở chiều ngược lại, giá Robusta nối tiếp đà tăng từ phiên cuối tuần trước, đóng cửa giá cao hơn tham chiếu 0,53%. Nhu cầu Robusta được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao nếu kinh tế tiếp tục khó khăn.
BMI, đơn vị thuộc Công ty tư vấn Fitch Solutions, tiếp tục đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng giá Robusta. Theo tổ chức này, sản lượng Robusta sẽ bị ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan El Nino, trong khi nhu cầu về mặt hàng này có thể vẫn cao nhờ lợi thế giá thành so với Arabica.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2023 giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 12 năm qua, đạt 50.967 tấn (tương đương 849.450 bao), giảm gần 40% so với tháng 8/2023 và hơn 47% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch đạt 168,68 triệu USD, giảm 35% so với tháng 8/2023 và giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm nay ở mức 1,25 triệu tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022 và tổng giá trị xuất khẩu cao hơn 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 3.151 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2023 và tăng 29,6% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang nổi lên là thị trường tiêu thụ cà phê tiềm năng của thế giới và Việt Nam hiện đang đứng top 3 thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thị hiếu tiêu dùng cà phê ở Trung Quốc có sự thay đổi đáng kể đã thúc đẩy thị trường phát triển. Trong khi tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cà phê quốc tế là 2%, thì tốc độ tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc tăng trưởng đều đặn là 30%/năm.
Trung bình, người dân Trung Quốc tiêu thụ 14 tỷ tách cà phê mỗi năm. Nghiên cứu gần đây cho thấy, 63% lượng tiêu thụ cà phê là cà phê hòa tan và hầu hết đều được nhập khẩu.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 8 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 79.980 tấn cà phê, trị giá 452,1 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu nguồn cung cà phê cho Trung Quốc tập trung chủ yếu từ các thị trường Brazil, Etiopia, Việt Nam, Columbia, Malaysia.
Giá tiêu hôm nay duy trì ổn định
Giá tiêu hôm nay (18/10), tại thị trường nội địa đang dao động trong khoảng 67.500 - 70.500 đồng/kg.
Hiện tại, mức giá thấp nhất được ghi nhận là 67.500 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai, cao hơn một chút là 68.500 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai.
Tiếp theo đó là Đắk Lắk và Đắk Nông hiện đang thu mua hồ tiêu với cùng mức giá 69.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt đi ngang tại mức 70.000 đồng/kg và 70.500 đồng/kg.
Lý giải thị trường đang trong quãng thời gian ảm đạm, báo cáo mới nhất của Simexco Daklak cho hay, kỳ vọng giá trị đồng USD sẽ tăng nên các nhà nhập khẩu không muốn dự trữ hàng. Do vậy, sức mua cầm chừng và chờ đợi những diễn biến mới từ tỷ giá USD.
Chiến sự nổ ra tại các khu vực hiện nay ngày càng trầm trọng đặt ra mối đe dọa đối với nhu cầu chung về hạt tiêu. Theo Simexco Daklak, vụ mùa 23/24 ở Việt Nam có thể giảm 15% sản lượng. Điều kiện thời tiết trong những tháng tới sẽ trở nên quan trọng tới năng suất vụ sau.
Dẫn chứng từ điều tra riêng về nguồn cung hạt tiêu ở Việt Nam, Simexco Daklak nhận định đang giảm dần do năng suất cây trồng thấp và lãi suất nông nghiệp giảm. Tồn kho hiện tại ước tính chỉ 15.000 đến 20.000 tấn và vụ thu hoạch tiếp theo dự kiến khoảng 140.000 - 150.000 tấn, giảm đáng kể so với năm ngoái.
Nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang lại thu nhập thường xuyên hơn và cao hơn, chẳng hạn như sầu riêng. Diện tích còn lại còn lại có số lượng lớn cây cổ thụ không cho năng suất tốt.
Ngoài ra lượng mưa dồi dào trong vài tuần qua cũng gây ra một số lo ngại về việc kiểm soát thuốc trừ sâu. "Nhu cầu toàn cầu đối với hạt tiêu có khả năng vượt quá nguồn cung, đẩy giá lên mức chưa từng thấy" - báo cáo của Simexco Daklak viết.
Châu Á là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 chiếm 55,9%, đạt 114.343 tấn, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc đạt 55.985 tấn, chiếm 27,4% thị phần và tăng 373,6% so cùng kỳ.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 37.431 tấn, chiếm 18,3%, tuy nhiên, so với cùng kỳ, lượng nhập khẩu từ Việt Nam giảm 9,1%. Tính chung cả khu vực châu Mỹ nhập khẩu giảm 7,5%.
Xuất khẩu sang khu vực châu Âu chiếm 18,6% và so cùng kỳ lượng xuất khẩu sang khu vực này giảm 7,1%.
Trong đó, xuất khẩu sang Đức giảm 14,3%, đạt 6.828 tấn; Hà Lan giảm 9%, đạt 5.958 tấn; Nga giảm 4%, đạt 4.064 tấn; Anh giảm 10,2%, đạt 3.685 tấn...
Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 70,8%, đạt 3.495 tấn và Pháp tăng 31,4%, đạt 2.849 tấn.
Xuất khẩu hồ tiêu sang châu Phi tăng 9,3%, trong đó, xuất khẩu sang Ai Cập tăng 43,8%, đạt 3.354 tấn; Senegal tăng 32,4%, đạt 1.787 tấn và sang Nam Phi đạt 1.761 tấn, tăng 2%.