Giá cà phê hôm nay cao nhất đạt 63.700 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (15/10), đang dao động trong khoảng từ 63.100 - 63.700 đồng/kg. Tính chung tuần qua, giá cà phê trong nước giảm 500 đồng/kg.
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 63.200 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 63.100 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 63.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 63.600 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 63.500 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 63.400 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 63.700 đồng/kg, 63.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 63.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 ở mức 2.388 USD/tấn, giao tháng 1/2024 ở mức 2.284 USD/tấn. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 ở mức 154,9 cent/lb, giao tháng 3/2024 ở mức 155,15 cent/lb.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 tăng 29 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 tăng 8,85 cent/lb.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, với khối lượng đạt 50.967 tấn, trị giá 168,7 triệu USD, giảm 48,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60 kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao.
Trong niên vụ 2022-2023, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 8,2% so với niên vụ trước. Tính riêng tháng 9, giá xuất khẩu cà phê tăng tháng thứ 7 liên tiếp, thiết lập mức kỷ lục mới là 3.310 USD/tấn, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 36% (tương ứng 878 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường thế giới, Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, giá dầu thô tăng mạnh đã hỗ trợ cho các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp nói riêng và thị trường hàng hoá nói chung cùng khởi sắc. Trong đó, giá Arabica tăng 3,75%, còn giá Robusta đóng cửa cao hơn mức tham chiếu 1,29%.
Trong báo cáo phiên 13/10, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm mạnh 7.249 bao loại 60 kg, còn 440.773 bao. Đây là mức cà phê lưu trữ thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Lực bán cà phê tại Brazil đang bị hạn chế khi những bên cung cấp cho rằng mức giá hiện tại đang thấp và giảm quá sâu so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo tuần của Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (CONAB), giá Arabica tại quốc gia này đang ở mức 800 Real/bao loại 60kg, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá Arabica trên Sở ICE dù hồi phục trong vài phiên gần đây nhưng vẫn kém 25% so với thời điểm tháng 10 năm 2022.
Bên cạnh tâm lý thị trường, việc đồng Real mạnh lên và tỷ giá USD/Brazil Real giảm liên tiếp trong 5 phiên gần đây cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân. Với cà phê Robusta, thông tin cơ bản trên thị trường đang khá lạc quan với hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tại Brazil và triển vọng thu hoạch cà phê vụ mới đầy tích cực tại Việt Nam.
Trong bối cảnh nguồn cung cà phê vụ mới tại Việt Nam chưa thể đẩy ra thị trường dồi dào, Brazil vẫn tích cực xuất khẩu cà phê Robusta đang sẵn để tận dụng giá tốt trước khi có nguồn cung bổ sung từ việt Nam. Bên cạnh đó, dù hoạt động xuất khẩu vẫn còn ảm đạm do nguồn cung khan hiếm, việc thu hoạch cà phê tại Việt Nam đang được ủng hộ bởi thời tiết khô ráo vào ban ngày. Điều này giúp thị trường kỳ vọng vào nguồn cung tích cực trong thời gian tới.
Theo Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nếu thu hoạch cà phê tại Việt Nam tiếp tục thuận lợi trong mùa vụ 2023-2024 (bắt đầu tháng 10), giá Robusta nói chung và giá cà phê Việt Nam nói riêng còn hạ tiếp trong những tháng cuối năm. Theo tính lịch sử chu kỳ, đến tháng 11, lượng cà phê xuất khẩu từ nước ta mới có thể cải thiện rõ ràng khi hoạt động thu hoạch diễn ra tập trung và nguồn cung mới trở nên sẵn sàng.
Giá tiêu hôm nay cao nhất đạt 70.500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (15/10), toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 67.500 - 70.500 đồng/kg. Tổng kết tuần, giá tiêu trong nước giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 70.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 67.500 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế, trong 8 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu hồ tiêu đạt 3,26 nghìn tấn, trị giá 15,64 triệu USD, giảm 45,5% về lượng và giảm 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng tháng 8/2023, Hàn Quốc nhập khẩu hồ tiêu đạt 681 tấn, trị giá gần 3 triệu USD, tăng 1,1% về lượng, nhưng giảm 0,9% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 tăng 80,6% về lượng và tăng 51,6% về trị giá.
Tháng 8/2023, giá nhập khẩu bình quân hồ tiêu vào Hàn Quốc đạt mức 4.390 USD/tấn, giảm 2% so với tháng 7/2023 và giảm 16% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, giá nhập khẩu bình quân hồ tiêu vào Hàn Quốc đạt mức 4.795 USD/tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân hồ tiêu của Hàn Quốc giảm từ hầu hết các nguồn cung lớn, ngoại trừ Hoa Kỳ. Ngoài Việt Nam 4 thị trường cung cấp hồ tiêu cho thị trường Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 gồm Malaysia, Campuchia, Ấn Độ, Hoa Kỳ.
Trong đó, 8 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu hồ tiêu chủ yếu từ Việt Nam, lượng đạt xấp xỉ 2,97 nghìn tấn, trị giá 13,33 triệu USD, giảm 44,6% về lượng và giảm 46,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 89,51% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 91,01% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Tương tự, 8 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Malaysia, giảm 22,8% về lượng và giảm 30% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 237 tấn, trị giá xấp xỉ 1,34 triệu USD. Thị phần hồ tiêu của Malaysia trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 5,12% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 7,26% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Ngược lại, Hàn Quốc tăng nhập khẩu hồ tiêu từ các thị trường Campuchia và Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Hàn Quốc tăng nhập khẩu hồ tiêu từ thị trường Camphuchia 2.107,6% về lượng và tăng 433,3% về giá trị trong 8 tháng đầu năm 2023. Còn với thị trường Ấn Độ, con số này lần lượt là 57,7% và 40,5%.
Mặc dù vậy, lượng nhập khẩu từ các thị trường trên ở mức thấp. Hiện, thị phần hồ tiêu của Campuchia là 0,5% trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc. Con số này với thị trường Ấn Độ là 0,3% và Hoa Kỳ là 0,2%.