Giá cà phê hôm nay đảo chiều tăng 100 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (13/10), ghi nhận đảo chiều tăng 100 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 63.200 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 63.400 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 62.900 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 63.300 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 63.400 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 63.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2023 được ghi nhận tại mức 2.360 USD/tấn sau khi tăng 0,98% (tương đương 23 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2023 tại New York ở mức 149,3 US cent/pound sau khi tăng 1,08% (tương đương 1,6 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h45 (giờ Việt Nam).
2022-2023 được đánh giá là năm “mất mùa được giá” của ngành cà phê, bởi theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ vừa qua ước tính chỉ khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ trước do thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái.
Sản lượng thu hẹp cộng với dự trữ ở mức thấp là nguyên nhân chính dẫn đến khối lượng cà phê xuất khẩu giảm so với niên vụ trước, nhưng bù lại giá mặt hàng này liên tục tăng cao và chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của của nước ta trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây với khối lượng đạt 50.967 tấn, trị giá 168,7 triệu USD, giảm 48,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong quý III, xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 246.051 tấn với trị giá 738,9 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 4,1% về trị giá so với cùng kỳ, do nguồn cung không còn nhiều
Như vậy, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao.
Trong niên vụ 2022-2023, giá xuất khẩu trung bình cà phê của nước ta đạt 2.451 USD/tấn, tăng 8,2% so với niên vụ trước. Tính riêng tháng 9, giá xuất khẩu cà phê tăng tháng thứ 7 liên tiếp lên mức kỷ lục mới là 3.310 USD/tấn, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 36 % (tương ứng 878 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường tiêu thụ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng đạt 615.364 tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và 0,3% về trị giá so với niên vụ trước. Thị trường này chiếm 37% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta.
Trong khối EU, xuất khẩu sang Đức đạt 203.317 tấn (-5,9%), Italy đạt 146.684 tấn (+6%), Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt 13,1% và 42,7%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng 4,7% lên 132.471 tấn, chiếm 8% thị phần.
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang Algeria tăng 32,9%, Trung Quốc tăng 3,7%, Hàn Quốc tăng 17,1%, Mexico tăng 81,2%, đặc biệt Indonesia tăng tới 130,2%...
Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của nước ta trong 8 tháng đầu năm đã tăng tới 24,3% lên hơn 531 triệu USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước so với 15% của cùng kỳ. Các thị trường tiêu thụ cà phê chế biến hàng đầu của nước ta như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… đều đẩy mạnh nhập khẩu trong 8 tháng qua.
Còn với các cà phê nhân, kim ngạch xuất khẩu robusta tăng nhẹ 2,4% lên gần 2,3 tỷ USD, trong khi arabica giảm 34,7% xuống còn 132,7 triệu USD.
Giá tiêu hôm nay không có thay đổi
Giá tiêu hôm nay (13/10), vẫn nằm trong khoảng 67.500 - 70.500 đồng/kg tại thị trường trong nước.
Hiện tại, Gia Lai đang là địa phương có thu mua thấp nhất với 67.500 đồng/kg. Kế đến là Đồng Nai với mức giá 68.500 đồng/kg.
Hồ tiêu tại Đắk Lắk và Đắk Nông tiếp tục được thu mua với cùng mức giá là 69.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ổn định tại mức tương ứng là 70.000 đồng/kg và 70.500 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan tháng 9/2023, số lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng là 18.111 tấn (giảm 10,1% so với tháng 8/2023), trị giá 67,512 triệu USD (giảm 10,4% so với tháng 8/2023).
Như vậy, lũy kế đến hết tháng báo cáo là 206.037 tấn (tăng 18,1% so với năm ngoái), với trị giá là 682,473 triệu USD (giảm 11,4% so với năm trước).
Việt Nam đã bán phần lớn sản lượng trong năm nay nhưng nhờ nhập khẩu và tồn kho từ những năm trước vẫn còn nên nguồn cung hạt tiêu vẫn đáp ứng được phần nào nhu cầu. Trong khi đó, người mua tiếp tục theo dõi sát triển vọng vụ mùa năm 2024 và không muốn vào các vị thế kỳ hạn ở mức giá cao
Trên thế giới ngoại trừ Việt Nam có khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng so với năm ngoái, các nước khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều ghi nhận sụt giảm.
Thị trường tiêu trong nước đang chu kỳ giảm, bên bán đang chịu áp lực trong cuộc chiến giằng co về giá với bên mua. Giá tiêu nội địa cùng đà giảm với thị trường thế giới giữa bối cảnh đồng USD neo ở mức cao và lạm phát nhiều nơi dẫn đến giảm nhu cầu.