Giá cà phê hôm nay tăng thêm 100 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (17/10), ghi nhận tăng thêm 100 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 63.600 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 63.800 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 63.300 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 63.600 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 63.800 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 63.800 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Cập nhật giá cà phê hôm nay. |
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2023 được ghi nhận tại mức 2.393 USD/tấn sau khi tăng 0,21% (tương đương 5 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2023 tại New York ở mức 154,15 US cent/pound sau khi giảm 0,48% (tương đương 0,75 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h50 (giờ Việt Nam).
Cập nhật giá cà phê Robusta trên sàn London. |
Cập nhật giá cà phê Arabica trên sàn New York. |
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường cà phê là điểm sáng đáng chú ý trong tuần. Trong đó, giá Arabica bật tăng mạnh hơn 6%, trong khi giá Robusta phục hồi 0,18% so với tham chiếu. Theo MXV, xuất khẩu cà phê tại Brazil bất ngờ giảm trong tháng 9 tại Brazil kết hợp cùng việc đồng Real mạnh lên đã hỗ trợ giá.
Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất đi 3,02 triệu bao cà phê nhân, thấp hơn mức 3,16 triệu bao trong cùng kỳ năm 2022, cũng như mức 3,47 triệu bao trong tháng 8. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica ở mức 2,4 triệu bao, giảm mạnh khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá Arabica giảm về mức thấp là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu yếu đi.
Đồng thời, đồng Real của Brazil mạnh lên đã kéo theo tỷ giá USD/Brazil giảm 1,24% trong tuần qua. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp dần đã phần nào hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Giá cà phê chứng kiến đà tăng kỷ lục trong niên vụ vừa qua do nguồn cung Robusta thế giới thiếu hụt trong bối cảnh các nước chịu động bởi hình thái thời tiết El Nino. Cùng lúc đó, tình hình kinh tế khó khăn khiến nhu cầu người tiêu dùng chuyển sang dùng hạt Robusta thay vì Arabica do có giá rẻ hơn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thâm hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 vào khoảng 7,3 triệu bao. Trong đó, sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao, trong khi Arabica tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao.
Theo Cục Xuất khẩu nhập khẩu – Bộ Công Thương, tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 3.151 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2023 và tăng 29,6% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo từng chủng loại cà phê xuất khẩu trong tháng 9/2023, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với khoảng 34 ngàn tấn, kim ngạch gần 82,5 triệu USD, còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu được 881 tấn, với kim ngạch gần 3,5 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein trên 2.700 tấn, kim ngạch khoảng 12,8 triệu USD.
Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 8,8 ngàn tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 57,6 triệu USD, (trong đó, lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 18,6% và kim ngạch chiếm khoảng 36,8% tổng các loại cà phê xuất khẩu).
Trong tháng 9/2023, có chưa đến 50 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân, trong đó 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân, là: Công ty TNHH NKG Việt Nam, Công ty TNHH Cofco International Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam, Công ty TNHH Tuấn Lộc Commodities và Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex…
Các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 70,5% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm khoảng 69,0% giá trị kim ngạch; trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài hiệp hội chiếm thị phần khoảng 26,2% về khối lượng và chiếm khoảng 33,2% về kim ngạch.
Nhóm 10 doanh nghiệp lớn xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan trong tháng 9/2023, gồm: NESTLÉ Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên (chi nhánh Sài Gòn), OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon và TATA Coffee Việt Nam… Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 58,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan trong tháng 9 và chiếm khoảng 64,4% về kim ngạch, còn các doanh nghiệp ngoài hiệp hội chiếm thị phần khoảng 84,5% về khối lượng và khoảng 84,1% kim ngạch.
Việt Nam qua vụ thu hoạch đã lâu nên lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 10/2023 chắc chắn sẽ thấp, đến tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch vụ cà phê mới, nên lượng cà phê xuất khẩu trong các tháng cuối năm cũng sẽ thấp hơn năm ngoái.
Nhờ được lợi về giá, dự báo, vào vụ thu hoạch năm nay, nếu doanh nghiệp xuất khẩu tốt thì kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt bằng năm 2022 (năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,06 tỷ USD) nhưng khối lượng sẽ giảm trên dưới 10%.
Giá tiêu hôm nay không có điều chỉnh mới
Giá tiêu hôm nay (17/10), tiếp tục neo trong khoảng 67.500 - 70.500 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm.
Trong đó, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai lần lượt có mức giá 67.500 đồng/kg và 68.500 đồng/kg.
Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tiếp tục ghi nhận cùng mức giá thu mua là 69.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu ổn định tại mức tương ứng là 70.000 đồng/kg và 70.500 đồng/kg.
Cập nhật giá tiêu hôm nay. |
Từ đầu tháng 10/2023, các đại lý rục rịch bán hồ tiêu trong kho đẩy thị trường mất 1.500 đồng/kg trong vòng 15 ngày qua.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho hay, hằng năm châu Âu tiêu thụ khoảng 125-130 ngàn tấn hồ tiêu, trong đó Việt Nam là quốc gia cung cấp chủ yếu, chiếm khoảng 45%, tiếp theo là Brazil chiếm 19% và Indonesia chiếm 14%.
Đứng đầu nhập khẩu hồ tiêu tại châu Âu là Đức với sức tiêu thụ năm 2022 đạt 25.685 tấn, chiếm 23,5% thị phần nhập khẩu của châu Âu và giảm 18,7% so với năm 2021 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhất hồ tiêu vào Đức chiếm 44%, tiếp theo là Brazil chiếm 35%, Indonesia chiếm 6% và Campuchia chiếm 4%. Xét về mọi mặt của hồ tiêu Việt Nam, từ hương vị cho đến chất lượng thì Đức chắc chắn vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực châu Âu, và là một trong những thị trường tiêu thụ tiêu trắng lớn tại châu Âu sau Anh, Hà Lan và Pháp.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của các khu vực trên thế giới đều giảm dẫn tới việc kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Châu Á là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong 9 tháng năm 2023, chiếm 55,9% về lượng. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 27,4% thị phần.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 9/2023 Việt Nam xuất khẩu được 16.630 tấn hồ tiêu các loại (trong đó, hồ tiêu đen đạt 14.832 tấn, hồ tiêu trắng đạt 1.798 tấn).
Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 62 triệu USD (hồ tiêu đen đạt 52,9 triệu USD, hồ tiêu trắng đạt 9,1 triệu USD), giảm 15,5% về kim ngạch so với tháng trước.
Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen trong tháng 9/2023 đạt 3.687 USD/tấn, tăng 54 USD và hồ tiêu trắng đạt 5.157 USD/tấn, giảm 28 USD so với tháng 8/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó hồ tiêu đen đạt 183.475 tấn, hồ tiêu trắng đạt 20.910 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD, trong đó hồ tiêu đen đạt 578,2 triệu USD, hồ tiêu trắng đạt 99,9 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu tăng 15,3%, tương đương 27.164 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4%, tương đương giảm 104,5 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3.539 USD/tấn, hồ tiêu trắng đạt 5.068 USD/tấn, giảm lần lượt 15,3% đối với tiêu đen và 14,2% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2022.