Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng phong đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế về việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. |
Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2021, Thanh tra Chính phủ luôn quán triệt, từng bước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về pháp luật phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức thực hiện định hướng chương trình thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được quan tâm, đẩy mạnh trong quá trình thực hiện, nhất là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng phong cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề riêng về việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn ít, chủ yếu lồng ghép với thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phấn hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; hoạt động tài chính, tín dụng…
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, việc phát hiện, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có sai phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có lúc, có nơi thiếu kiên quyết, chưa kịp thời nên chưa đạt hiệu quả cao.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng còn bất cập, chưa đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính và thể chế trên một số lĩnh vực vẫn còn khe hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cục, thất thoát, lãng phí. Còn thiếu cơ chế, chính sách khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài những nguyên nhân này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong còn cho biết, Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm của tổ chức cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế; việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn hình thức, chưa sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác chuyên môn cũng như công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã đề xuất 4 giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một là, tiếp tục rà soát, phát hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bất cập. Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách, mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản…; bổ sung các biện pháp chế tài xử lý nghiêm đủ sức răn đe đối với hành vi gây lãng phí; đồng thời có cơ chế, chính sách khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành đầy đủ các quy trình, quy định cụ thể để thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong tham mưu, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; chú trọng thanh tra vào những lĩnh vực có nguy cơ phát sịnh tham nhũng, lãng phí như quản lý tài chính, ngân sách, mua sắm công, tín dụng, bất động sản, chứng khoán, đầu tư xây dựng. quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Đẩy mạnh công tác xử lý sau thanh tra, nhất là thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, lãng phí. Nghiêm túc kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm củ người đứng đầu địa phương, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.