Toàn cảnh Phiên họp |
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ, kết quả đạt được là cơ bản, nhưng có lúc, có nơi, có việc còn bất cập, kết quả đạt được chưa cao; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung kiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.
“Trong bối cảnh đó, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Cùng với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản QPPL chưa được thực hiện triệt để, còn 3/77 văn bản chậm ban hành; một số văn bản QPPL của bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; Việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định; Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công; Vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp nhất là trong nông nghiệp; tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên, vi phạm về môi trường vẫn còn xảy ra; ...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Nhấn mạnh năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển KTXH; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình phục hồi và phát triển KTXH phù hợp, khả thi; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, khai thác hiệu quả các dư địa thu để tăng thu NSNN, triệt để tiết kiệm chi; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn NSNN hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm...
Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, việc chậm ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hằng năm và 5 năm đã ảnh hưởng đến tiến độ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương.
“Các tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại năm 2020 nhưng chưa được khắc phục triệt để như: chậm ban hành, việc ban hành còn hình thức, chưa sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác chuyên môn, nội dung còn chung chung, thiếu chi tiết, khó triển khai thực hiện, khó đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí …”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh |
Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cho rằng, trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,… Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chính cũng đã nêu rõ quan điểm của Thường trực Ủy ban đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cụ thể.
Cơ bản nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 trong Báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, tình hình thực tiễn và các dự báo năm 2022, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu một số đề xuất, kiến nghị về giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Trong đó, đề nghị Chính phủ tập trung điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư. Siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các "nút thắt, điểm nghẽn" chưa có quy định chi tiết, hoặc chưa hướng dẫn cụ thể. Tăng cường chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; Quyết liệt đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; có chế tài xử lý các trường hợp chậm giải ngân, chậm triển khai các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng các các dự án quan trọng quốc gia;…
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh |
Cụ thể hóa trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến thành viên Thường vụ cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, cũng như đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
“Trong điều kiện năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, xử lý linh hoạt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh; huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành, các địa phương đã thực hiện khá nghiêm túc quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm huy động quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển đất nước….”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Đồng tình với 6 nhóm giải pháp được Chính phủ nêu, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng, cần tập trung làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế và khó khăn hiện nay.
Theo đó, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến bất cập, hạn chế và khó khăn để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể, sớm khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm cần được rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành, để đánh giá, so sánh, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng lĩnh vực, theo từng chỉ tiêu, bảo đảm tính đầy đủ, bao quát, toàn diện. “Các nhận định, đánh giá phải được thể hiện qua số liệu, dẫn chứng cụ thể và cũng cần nêu rõ những địa chỉ, các bộ, ngành, địa phương mà thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh, khắc phục…”, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu |
Nhất trí với nhiều nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về những kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các bộ, ngành và các địa phương thực hiện khá nghiêm túc, quyết liệt những nội dung chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần trong huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.
Để khắc phục một trong những bất cập hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn.
Từ góc độ chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều có chung 1 mô típ nên khi nghiên cứu để đánh giá về sự tiến bộ cũng như những hạn chế, bất cập, tồn tại và những khuyết điểm mới phát sinh của từng năm rất khó. "Toàn bộ những vấn đề ưu điểm, khuyết điểm nêu trong báo cáo không rõ...", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là báo cáo sẽ bổ sung cho phần kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới đây. Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2022 Quốc hội đang thực hiện chuyên đề giám sát tối cao về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, lúc đầu hụt thu ngân sách nhưng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng dần với dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Cho rằng một trong những kết quả nổi bật trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này là tập trung triệt để tiết kiệm những khoản chi, tăng cường huy động tất cả các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, Chủ tịch Quốc hội lưu ý “Việc tiết kiệm 76.000 tỷ đồng thì cần chỉ rõ địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần chỉ rõ ra chứ không nói chung chung”.
Chỉ ra những hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại để làm rõ những việc làm được, việc chưa làm được. Từ đó, chỉ rõ nguyên nhân của từng hạn chế để có giải pháp phù hợp, triệt để.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý cụ thể vào những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 liên quan đến từng lĩnh vực liên quan như: cải cách thủ tục hành chính, lĩnh vực đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập….
“Không thể nói một số nơi, một số bộ, ngành. Một số đó là ai? Cần nếu đích danh địa phương, cơ quan nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, cần thay đổi cách viết báo cáo tóm tắt theo hướng chỉ nêu những vấn đề lớn, vấn đề quan trọng để Quốc hội thảo luận.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách bám sát chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Chính phủ đã ban hành, chủ trì phối hợp với các cơ quan nêu cụ thể 5 – 7 việc nổi bật, tốt hơn so với những năm trước, trong đó, có địa chỉ, con số cụ thể để báo cáo Quốc hội.
Qua đó, kịp thời động viên các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt; đồng thời, cũng phải nói rõ những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm và kể cả những vấn đề Chính phủ phải có báo cáo thuyết minh, giải trình cụ thể hơn. Đối với kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cũng phải nêu rõ, cụ thể vấn đề cần kiến nghị...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung làm việc |
Vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm…
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với năm 2020 có một số tiến bộ, với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra.
Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý: Các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa; Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu; Nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng;…
Để hoàn thiện báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị lưu ý bổ sung một số vấn đề như sau: Cụ thể hơn về kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế, rà soát, nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Quyết định 2276 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021;
Cụ thể thêm các bộ, ngành, địa phương, các điển hình thực hiện tốt và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt theo 7 lĩnh vực của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xác định rõ ràng trách nhiệm của tập thể và cá nhân; Bổ sung số liệu tình hình để nêu rõ những lĩnh vực cần phải có giải pháp quyết liệt để tiết kiệm, chống lãng phí như thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, không chỉ sử dụng, sử dụng đất sai mục đích, giao đất không thu tiền sử dụng đất,…/.