Toàn cảnh buổi làm việc |
Ngày 5/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thanh tra Chính phủ về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Đoàn giám sát về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Thanh tra Chính phủ về công tác này. Tuy nhiên, đây cũng là lần thứ 2 của các Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 và các kế hoạch của Đoàn giám sát.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, buổi làm việc nhằm triển khai giám sát trực tiếp đối với Thanh tra Chính phủ. Đoàn đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 20216-2021, bao gồm việc thực hành tiết kiếm chống lãng phí của chính cơ quan Thanh tra Chính phủ; việc ban hành các chính sách pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tình hình thực hiện chính sách pháp luật chống lãng phí tại cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra.
Bên cạnh đó, báo cáo trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả thanh tra thực hiện chính sách pháp luật việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ ngành, các địa phương trong giai đoạn 2016-2021 bao gồm: Kết quả thanh tra, nhận xét, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Những kiến nghị, đề xuất của Thanh tra Chính phủ với Quốc hội, với Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ liên quan đến nội dung này; Bổ sung, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản luật có liên quan mà thanh tra thực tế đã phát hiện những bất cập, hạn chế. Đồng thời kiến nghị những vấn đề nổi cộm, những vụ việc điển hình tại các địa phương cho Đoàn giám sát thực hành giám sát.
Cho rằng đây là chuyên đề giám sát khó và có phạm vi rất rộng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Hội nghị cần bám vào Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 về một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đây là Đoàn giám sát tối cao ở tầm vĩ mô kể cả về chính trị, về quản lý đất nước, quản lý xã hội của cơ quan cấp chiến lược, vì vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kiến nghị những vấn đề ở tầm vĩ mô về chính sách pháp luật, đồng thời cần chỉ ra những lĩnh vực cụ thể, những địa phương cụ thể, tìm ra cách làm hay, sáng tạo để khuyến khích, biểu dương, thúc đẩy nhưng cũng cần chỉ ra được những hạn chế, bất cập để kiến nghị, đôn đốc, tháo gỡ trong tổ chức thực hiện.
Thứ hai, đề nghị bám vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật có liên quan trên 5 nội dung trọng tâm theo Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 và 4 trọng điểm đột phá.
5 nội dung trọng tâm là quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động khu vực Nhà nước; quản lý, sử dụng tài nguyên, trong đó đất đai là một trọng điểm.
4 trọng điểm đột phá gồm vấn đề đầu tư công; mua sắm, chi tiêu công; cổ phần hóa như thanh lý tài sản, chuyển đổi mục đích sử dụng; lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương mong muốn nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu, của cơ quan báo cáo, tập trung vào các nội dung cần làm rõ trong việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần chuẩn bị cho Đoàn xây dựng Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cũng như chuẩn bị làm việc với các bộ ngành, địa phương còn lại. Đồng thời Đoàn giám sát sẽ tiếp thu ý kiến xác đáng, quý báu của các đại biểu, những nhận đính, đánh giá phải xuất phát từ thực tiễn, từ việc tổng hợp cơ sở dữ liệu chính sách minh bạch và đầy đủ thì Đoàn giám sát mới đánh giá chuyên đề này một cách đầy đủ.
Tổng Thanh tra Chính Phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo kết quả thanh tra thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. |
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, giai đoạn 2016-2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra, kiểm tra 64.671 đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777 ha đất.
Trong đó, kiến nghị thu hồi 70.697 tỷ đồng; 111.894 ha đất; kiến nghị xử lý khác 77.843 tỷ đồng, 31.883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 11.999 tổ chức, 40.704 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với 1.709 người, xử lý hình sự 50 người. Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cũng đã có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc thực hiện 44.641 kết luận thanh tra; đã hoàn thành 42.422 kết luận (đạt tỷ lệ 95%), thu hồi 39.192/55.701 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 70%), 84.522/88.303 ha đất (đạt tỷ lệ 96%); xử lý vi phạm khác 4.016/6.468 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 62%) và 5.205 ha đất; đã xử lý hành chính 12.649/13.437 tổ chức (đạt tỷ lệ 94%) và 45.109/46.202 cá nhân (đạt tỷ lệ 98%); đã chuyển cơ quan điều tra 241 vụ, 338 đối tượng; đã xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với 1.284 người, xử lý hình sự 31 người; ban hành nhiều văn bản hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Rà soát sơ bộ Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát cho biết, Thanh tra Chính phủ đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018; trình Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm soát tài sản thu nhập; tham gia xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Công tác thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có kết quả lớn, phạm vi rộng. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan Thanh tra Chính phủ đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề riêng về việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn ít, chủ yếu lồng ghép với thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách, mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; hoạt động tài chính, tín dụng…
Việc phát hiện, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có sai phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có lúc, có nơi thiếu kiên quyết, chưa kịp thời nên chưa đạt hiệu quả cao…. Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng rút ra 5 bài học kinh nghiệm và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam báo cáo kết quả rà soát sơ bộ về báo cáo việc thực hiện, chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Thanh tra Chính phủ. |
Báo cáo kết quả rà soát sơ bộ về báo cáo việc thực hiện, chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho biết, kết quả thanh tra theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ có giá trị quan trọng trong sử dụng phục vụ lập Báo cáo giám sát tổng hợp chung của Đoàn giám sát.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục bổ sung thêm thông tin từ các bộ, ngành, địa phương còn chưa báo cáo; trình bày kết quả thanh tra đã báo cáo cho phù hợp với các nhóm lĩnh vực quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời cần bổ sung thông tin về kết luận thanh tra chưa được thực hiện. Bổ sung những đánh giá về những hạn chế của hệ thống định mức; những bất cập, sai phạm về ban hành văn bản liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đánh giá cao các báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các Báo cáo của Thanh tra Chính phủ rất đầy đủ, đầy đặn. Cho rằng chuyên đề giám sát này rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay hệ thống số liệu, dữ liệu còn chưa rõ ràng, do vậy trách nhiệm của Đoàn phối hợp với các cơ quan, trong đó có Thanh tra Chính phủ - một trong những cơ quan rất quan trọng để cung cấp cho Quốc hội hệ thống số liệu, dữ liệu và đánh giá khách quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục bổ sung các số liệu này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị cho biết nguyên nhân nào thanh tra còn ít mà chủ yếu là lồng ghép, không làm riêng? Danh mục các văn bản tham mưu liên quan đến nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ. Việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chưa có tổng hợp cụ thể, trách nhiệm của thanh tra đi đến cùng các vụ việc này có làm được không? Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải đi đến cùng các vấn đề này.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Thanh tra Chính phủ cần đề xuất rõ chế tài hay các quy định pháp luật cụ thể hơn để công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí thực chất hơn, hiệu quả hơn. |
Cho ý kiến về Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Qua kết quả thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 năm vừa qua, Báo cáo đã rút ra kết luận rất xác đáng, thẳng thắn, giúp cho Đoàn giám sát có thêm nhiều thông tin để đưa vào Báo cáo giám sát tối cao.
Về hoàn thiện thể chế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét khâu tổ chức thực hiện và cả quá trình thực hiện giám sát nếu có vi phạm thì đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần sửa điều nào, khoản nào mà thực tiễn 5 năm qua còn nhiều vướng mắc, là kẽ hở khiến cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh đó, cần rà soát Luật Phòng chống tham nhũng và các pháp luật chuyên ngành liên quan.
Để tiết kiệm nguồn lực quốc gia, nhân lực, vật lực và tài lực cũng như chống lãng phí, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Thanh tra Chính phủ cần đề xuất rõ chế tài hay các quy định pháp luật cụ thể hơn để công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí thực chất hơn, hiệu quả hơn.
“Từ đó mới có căn cứ để xử lý vi phạm, cứ chung chung thì không giải quyết được, mức nào, xử lý thế nào để trên cơ sở đánh giá toàn diện, giám sát tối cao của Quốc hội có điểm nhấn, các đại biểu Quốc hội mới thấy thuyết phục”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm. Đồng thời kiến nghị tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đánh giá giám sát ở các địa phương, chẩn chỉnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nghiêm hơn.
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cần đánh giá và chỉ rõ dưới 2 góc độ “đâu là hành vi tiết kiệm, đâu là hành vi chống lãng phí”. |
Liên quan đến nội dung này, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, Báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát về việc chấp hành pháp luật thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của các địa phương trên cả nước.
Một báo cáo khác là tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành thanh tra, báo cáo này thì Thanh tra Chính phủ thuộc đối tượng chịu sự giám sát. Đại biểu Lê Thanh Vân nhận thấy, việc thanh tra tuân thủ pháp luật nói chung rất có giá trị trong việc phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, còn hàm lượng thông tin thanh tra trong việc tuân thủ pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chưa cao, do đó đề nghị cần bóc tách nội dung này.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, phần lớn là đánh giá việc tuân thủ pháp luật và nhấn mạnh đến các quy phạm nói chung của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm 8 lĩnh vực, cơ bản bám sát nội dung chuyên đề giám sát. Giới hạn phạm vi giám sát gồm 7 lĩnh vực liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí.
“Tiết kiệm là hành vi làm sao giảm thiểu hao phí trong sử dụng nguồn lực công, gồm có tài sản, tài chính công, tổ chức bộ máy, sử dụng nhân sự hoạt động, thời gian hoạt động. Thực hành tiết kiệm liên quan đến ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Lãng phí nghĩa là sử dụng không hiệu quả, ví dụ như mua ô tô về nhưng không dùng, mua bàn ghế về mà không dùng…”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.
Nhìn chung, Báo cáo của Thanh tra Chính phủ đầy đủ theo đề cương, thông tin mô tả chung, chưa đủ thông tin chi tiết, cụ thể, đánh giá dưới 2 góc độ “đâu là hành vi tiết kiệm, đâu là hành vi chống lãng phí” thì chưa nổi bật trong báo cáo... Vì vậy, đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ và Đoàn giám sát cần bám sát vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định, gồm 7 lĩnh vực mà Đoàn giám sát giới hạn với những nội dung cụ thể.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần bổ sung những đánh giá nổi bật, phổ biến về những hạn chế của hệ thống định mức; những bất cập, sai phạm về ban hành văn bản và nêu rõ những lỗ hổng về cơ chế chính sách về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và liên quan quan trọng đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các Báo cáo của Thanh tra Chính phủ để gửi Đoàn giám sát. Về việc bổ sung thông tin 3 Bộ và 7 địa phương chưa gửi báo cáo tính đến ngày 05/04/2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị Đoàn giám sát trực tiếp giám sát các bộ, ngành và địa phương này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng giải trình, làm rõ nội dung liên quan đến nguyên nhân việc thực hiện thanh tra, kiểm tra còn ít mà chủ yếu thực hiện lồng ghép với thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao sự tham gia tích cực của các thành viên Đoàn giám sát, biểu dương công tác chuẩn bị của Tổ công tác, khảo sát làm việc trước với Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Thanh tra Chính phủ.
Các thành viên của Đoàn đã nêu vấn đề và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, bám sát được mục đích, yêu cầu, các mục tiêu theo chuyên đề giám sát. Về cơ bản, Đoàn đánh giá cao việc Thanh tra Chính phủ đã tích cực chuẩn bị Báo cáo một cách kỹ lưỡng, công phu với nhiều nội dung làm sáng tỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, 3 báo cáo tương đối đầy đủ như Báo cáo 266 gồm 30 trang, Báo cáo 451 gồm 12 trang và Báo cáo 455 gồm 22 trang. Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra 7 lĩnh vực vi phạm tương đối rõ xung quanh 7 sai phạm trong việc xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ; sai phạm trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách; sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng; sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; sai phạm trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước; sai phạm trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm. Đoàn cũng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc và công việc cụ thể của Thanh tra Chính phủ.
Nêu rõ đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội với pham vi rộng và khó, được Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo sâu sát, và đây cũng là điều mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Thanh tra Chính phủ với trách nhiệm là cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì Thanh tra Chính phủ đã làm được nhiều việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.
Các ý kiến tham gia tại phiên họp cũng là cơ sở quan trọng để Đoàn có thể nghiên cứu, làm việc thêm với các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… và một số địa phương để có đầy đủ thông tin và chứng cứ xác đáng, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở đó, Đoàn có thể xây dựng báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị cần lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các nội dung còn thiếu trong báo cáo theo đề xuất của Tổ công tác cũng như bổ sung khung đề cương chi tiết của thành viên Đoàn, bảo đảm đúng yêu cầu, đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, hàm lượng thông tin về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chứ không chỉ dừng lại ở sai phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung.
Thứ hai, các Báo cáo 451, Báo cáo 266 và Báo cáo 455 cũng như các phụ lục… cần cung cấp bổ sung số liệu chi tiết, cố gắng bóc tách, lượng hóa được việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ ra được cái gì chưa tiết kiệm, cái gì còn lãng phí, lãng phí thế nào, lãng phí đến đâu trên từng lĩnh vực (định mức kĩ thuật, tài sản công, ngân sách, đất đai, tài nguyên, thuế, bảo hiểm…) cả ở phần báo cáo của cơ quan Thanh tra Chính phủ và báo cáo trên phạm vi cả nước.
Thứ ba, bổ sung chi tiết những tồn đọng, kết luận kiến nghị của Thanh tra Chính phủ mà chưa hoàn thành đến ngày 31/12/2021.
Thứ tư, đề nghị cung cấp thông tin và lượng hóa đưa thêm trách nhiệm hạn chế, tồn tại của các bộ ngành, địa phương có nhiều sai phạm và một số vụ việc nổi cộm mà Đoàn dự kiến giám sát trực tiếp.
Thứ năm, đề nghị Thanh tra Chính phủ thông tin những bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo để Đoàn tổng hợp và nêu vấn đề khi đi làm việc với các bộ, ngành, địa phương này.
Thứ sáu, bổ sung kiến nghị về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Thanh tra Chính phủ cố gắng hình thành danh mục đề nghị sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những điều khoản, quy định nội dung cụ thể.
Ngoài ra, buổi làm việc còn nhiều ý kiến phát biểu của Đoàn giám sát về các nội dung khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp thu nghiêm túc, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát. Đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham gia cùng Đoàn giám sát với tư cách là thành viên chủ yếu, chủ công và chủ lực, phối hợp với Đoàn để thực hiện giám sát chuyên đề này tốt hơn.