Hình ảnh tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải quyết liệt triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Theo báo cáo số 114/BC-CP của Chính phủ, nhìn tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn,vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho phát triển KT-XH, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh; huy động các nguồn lực trong nước và từ nước ngoài cho phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương; kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm, thu NSNN vượt dự toán,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, bất cập, như: kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy,... Nguyên nhân do, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động; hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo dự kiến chương trình, tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về nội dung này.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung thảo luận và cho ý kiến vào về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Trong khuôn khổ phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 (phương án điều hòa vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) (nếu Chính phủ kịp trình). Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trình và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiến hành thẩm tra.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Sau khi Đoàn giám sát trình bày báo cáo, đại diện cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát phát biểu ý kiến (nếu có), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về nội dung này./.