Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với mật độ canh tác 3 vụ/năm, trong đó hiệu quả nhất là 2 vụ Đông-Xuân và Thu-Đông. Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa gạo của vùng dạo gần đây gặp nhiều khó khăn khi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng trở nên gay gắt và kéo dài. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm né mặn, né hạn, tăng hiệu suất, giá trị và lợi nhuận cho người nông dân là một việc làm vô cùng cấp bách.
Do vậy, hôm qua ngày 24/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết để ứng phó với hạn mặn dữ dội của mùa khô năm nay, nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động khuyến cáo giảm 50.000ha đất lúa vụ đông xuân có nguy cơ bị hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang cây trồng khác phù hợp hơn.
Cụ thể, các địa phương sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng rau màu khoảng 45.300 ha, trồng cây ăn trái 3.450 ha, nuôi thủy sản các loại 1.200 ha. Bên cạnh đó, còn chủ động thực hiện việc cắt vụ, giãn vụ khoảng 100.000 ha đất lúa ở những khu vực khó khăn về nguồn nước.
Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khuyến cáo các tỉnh DBSCL chuyển đổi đất lúa không chủ động được nguồn nước sang trồng cây khác, nhằm thiểu tối đa mức thiệt hại.
Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay là khoảng 60.000 ha lúa đông xuân do nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tự gieo sạ muộn vào tháng 1/2020, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Các trà lúa này đang ở giai đoạn trổ bông, trong đó có khoảng 30.000 ha khả năng bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, dẫn đến nguy cơ thiệt hại nếu nguồn nước không đủ trong những ngày tới.
Cùng với các giải pháp cứu hàng chục ngàn ha lúa bị hạn mặn trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc bộ và các địa phương nhanh chóng rà soát, xây dựng kế hoạch xuống giống vụ lúa hè thu và vụ mùa, phù hợp với tình trạng nguồn nước và thích ứng với xâm nhập mặn phức tạp.
Mặt khác, để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, sống thuận thiên thực hiện Nghị quyết 120 – Về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hâuj, các địa phương cần chuyên hóa nền nông nghiệp bằng cách quy hoạch lại vùng sản xuất, liên kết vùng, tiểu vùng, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường tiềm năng, tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Có như vậy, nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long mới thực sự “biến nguy thành cơ” phát triển bền vững, theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Hi vọng dưới sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, cùng các đơn vị khoa học chuyên ngành, bà cao nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng thu nhập một cách bền vững.
Lê Thoa (Theo HHTH)