Nguồn dự trữ nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ đủ duy trì sản xuất trong 3 – 6 tháng tới
Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn. Nếu cộng cả thức ăn thủy sản con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn.
Mặc dù là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực nhưng Việt Nam hiện tại chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khi phần lớn phải nhập khẩu ngũ cốc, phụ gia lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm, giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Những thị trường nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính của Việt Nam là Mỹ, Nam Mỹ, EU, Nga,… khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến việc giao thương và hệ thống logistic gần như tê liệt.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 đang khiến ngành vận tải biển và đường bộ gặp vô vàn khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động.
Việc hạn chế vận chuyển, giảm tần suất chuyến hàng, kiểm tra hàng hóa tại điểm đi và điểm đến chặt chẽ hơn khiến chi phí logistic tăng cao. Ngoài ra, giá nguyên liệu ngũ cốc trên thế giới xu hướng tăng trong thời gian qua. Thêm vào đó, tâm lý lo ngại nguồn cung nguyên liệu có thể bị ảnh hưởng do dịch bệnh ảnh hưởng tới các vùng trồng nguyên liệu trên thế giới đã dẫn tới chi phí nhập khẩu nguyên liệu cả trong và ngoài nước tăng lên.
Do đầu vào khó nên giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và tỷ giá đồng USD nên nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam cũng tăng lên trong thời gian gần đây.
Cụ thể:
Hiện giá khô dầu đậu tương đã tăng trên 10% từ mức 9000 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg. So với khô dầu đậu tương, mặt hàng ngô còn tăng mạnh hơn khi tăng gần 30%, từ mức 5.600/kg lên 7000 đồng/kg. Đặc biệt, một số mặt hàng Lysine, axit amin còn tăng hàng trăm phần trăm và luôn trong tình trạng khan hàng.
Ngành chăn nuôi Việt Nam, theo báo cáo của Grand View Research, dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường của Việt Nam sẽ đạt mức 10,55 tỷ USD và cần tới 25 - 26 triệu tấn thứ ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, sản lượng nguyên liệu làm thức ăn cho ngành chăn nuôi như ngô và đậu tương trong nước chỉ đáp ứng được 50-55% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, nên nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp khiến giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam gặp nhiều áp lực. Hiện một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng giá bán từ 500 - 1.000 đồng/kg. Một số đơn vị lớn chọn giải pháp cố gắng giữ giá bán thức ăn không tăng, song lại tiến hành giảm tiền chiết khấu hoa hồng cho các đại lý cấp 1, cấp 2.
Lê Thoa (t/h)