Tham dự hội thảo có: Ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng; ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng và ông Hồ Tấn Vũ – Trưởng đại diện văn phòng Báo Tuổi trẻ vùng Trung Trung bộ.
Tại buổi hội thảo, đã có nhiều vấn đề về phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng được đặt ra.
Quang cảnh Hội thảo “Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng”. |
Sau hơn 3 năm triển khai và thực hiện (2020-2022), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP.Đà Nẵng đã mang lại kết quả tích cực, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đến nay, toàn thành phố có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP ở tất cả các quận, huyện. Trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá cấp Trung ương. Có 53 chủ thể tham gia, với 56,6% chủ thể là cơ sở sản xuất kinh doanh, 15,1% là Hợp tác xã và doanh nghiệp là 28,3%. |
Điểm khác biệt nổi bật về sản phẩm OCOP của TP.Đà Nẵng là thành phố không chạy theo số lượng, thành tích, mà có sự khảo sát, đánh giá nghiêm túc trong các khâu để phân hạng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng đã thể hiện được những đặc trưng, lợi thế và phát huy giá trị cộng đồng trong sản phẩm.
Tuy nhiên, chương trình OCOP của thành phố còn gặp những hạn chế, khó khăn như: nhiều tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận, nhận thức đầy đủ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các nhóm ngành, phần lớn tập trung vào nhóm thực phẩm; thiếu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch vốn là thế mạnh của thành phố...
Dù chương trình đã góp phần nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm, tác động nhất định đến tư duy về kinh tế của các hợp tác xã và hộ kinh doanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Sản phẩm nước mắm Nam Ô được công nhận là sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng chia sẻ tại hội thảo rằng: "Để sản phẩm OCOP Đà Nẵng phát triển vươn xa hơn, thì các chủ thể phải thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng năng suất nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của từng sản phẩm".
Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, mẫu mã bao bì để xây dựng thương hiệu sản phẩm, thì việc quảng bá và hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử cũng được các Sở, ban, ngành thành phố quan tâm thực hiện.
TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 56/56 xã, phường đều có sản phẩm được công nhận OCOP. Để đạt được mục tiêu đó, thì thành phố cần có những giải pháp, cách làm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và quan trọng là khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng, nguồn lực của chủ thể khi tham gia chương trình OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã xuất ngoại Hiện có một số mặt hàng OCOP Đà Nẵng đã "chinh phục" được thị trường quốc tế, đơn cử như sản phấm bánh dừa nướng của Công ty Mỹ Phương Foods đã đến được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào… Một sản phẩm OCOP 4 sao khác mà nhiều người biết đến là khô mè Bà Liễu Mẹ cũng đã tự nâng cấp mình, khi không chỉ là đặc sản Đà Nẵng đối với khách trong nước mà còn là sản phẩm mang hương vị Đà Nẵng không thể bỏ qua với nhiều thị trường khách nước ngoài. |