Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến tại phiên họp |
Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, sáng 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với các gợi ý và đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và sự nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật của Chính phủ, bởi đây là một dự án Luật khó, phức tạp và quan trọng.
Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cơ bản đồng tình với các trường hợp như Chính phủ quy định dự kiến.
Tuy nhiên căn cứ và Hiến pháp và thực tiễn, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị việc mở rộng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất lần này cần thể hiện nhằm thể chế hóa chủ trương tạo quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ, điều tiết thị trường và đáp ứng nhu cầu đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu cho ngân sách.
Việc mở rộng diện đất đai phải thu hồi áp dụng trên cơ sở chỉ thu hồi khi chứng minh được việc thu hồi đất ngoài mục đích quốc phòng, an ninh vì phát triển kinh tế, xã hội nhưng phải bảo đảm được lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại những cái trường hợp thu hồi đất để phục vụ dự án thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm c, khoản 2, Điều 70 của dự thảo Luật đã đảm bảo điều kiện nêu trên hay chưa?
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh ủng hộ quan điểm cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tuyệt đối không đưa những vấn đề chưa chín, chưa rõ vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Trước đó, phát biểu gợi ý thêm một số nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Đây là lần đầu thảo luận nhưng đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, đây là luật khó nhưng không có nghĩa không hoàn thành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết. Qua ý kiến thẩm tra sơ bộ, vẫn còn một số chủ trương lớn tiếp tục cần thể chế hóa.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với 16 nhóm vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương...