Toàn cảnh Phiên thảo luận |
Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Tuy nhiên, để các luật sớm có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị sửa đổi thời điểm thi hành một số điều, khoản chuyển tiếp của các luật trên. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (1 luật sửa 4 luật).
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trên, tại Phiên thảo luận ở hội trường, các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra; cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, tính khả thi của việc sửa đổi hiệu lực thi hành một số điều khoản chuyển tiếp của các luật; tính đồng bộ, thống nhất của các luật và hệ thống pháp luật sau khi điều chỉnh, sửa đổi tính đầy đủ, thuyết phục hồ sơ Tờ trình và báo cáo đánh giá tác động.
Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận, đa số các ĐBQH bày tỏ sự nhất trí với việc triển khai sớm 4 luật gồm: Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ quan điểm: Việc trình ra Quốc hội điều chỉnh sớm thực hiện các luật trên đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc triển khai sớm các quy định của pháp luật về nội dung thi hành điều chỉnh 4 luật này. Nếu sớm thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện tại. Đặc biệt, các giải pháp về nguồn lực đất đai sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công.
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang |
Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ mới nêu các điểm tác động tích cực và những điểm có lợi khi triển khai thực hiện 4 luật. Vì vậy, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ những rủi ro và những yếu tố tác động bất lợi khi triển khai sớm các luật này. Khi đánh giá được những khó khăn, rủi ro, Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ kịp thời đưa ra giải pháp và nhiệm vụ phù hợp. Bên cạnh đó, các Bộ ngành cần có sự hướng dẫn về thứ tự ưu tiên xây dựng, thực hiện các nghị định, thông tư để khi luật có hiệu lực thi hành ở địa phương thì có thể triển khai được ngay.
Với phương châm Quốc hội đồng hành cùng với Chính phủ, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị khi Quốc hội thông qua 1 luật sửa 4 luật, Chính phủ cần tập trung có những giải pháp hữu hiệu, tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các địa phương triển khai hiệu quả các luật.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật thuộc trách nhiệm của địa phương. Bên cạnh đó là đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm luật có hiệu lực và các điều khoản chuyển tiếp.
Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, đảm bảo chất lượng, tiến độ; không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời, để khi các luật này được có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 thì dễ dàng thực hiện, không bị chênh, bất cập gây khó khăn cho người dân như khẳng định của Chính phủ là sẽ không bất cập, không vướng mắc và kịp thời, đúng lúc.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre |
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và qua thảo luận Tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa các luật được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi những điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn của nền kinh tế được Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm bằng giải pháp huy động, khơi thông các nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là việc làm cần thiết.
Nhằm đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa 4 luật, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị tất cả các khâu, quy trình ở cấp địa phương phải làm theo quy trình, thủ tục rút gọn. Những nghị định, nghị quyết hoặc quyết định nào phải triển khai trước thì ưu tiên thực hiện trước, cái nào có thể để sau thì triển khai sau. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phải có sự hướng dẫn để các địa phương yên tâm trong quá trình triển khai thực hiện.
Với những ý kiến đóng góp như trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ đã phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn cũng như các việc làm cần thiết để sớm triển khai 4 luật vào thực tiễn cuộc sống theo đúng như thời hạn quy định.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại Tổ và tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến, đề xuất đóng góp để sớm hoàn thiện dự án 1 luật sửa 4 luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này.