Người bị cảm nắng thường có các triệu chứng người nóng, mồ hôi ra nhiều, khát nước, đau đầu, chóng mặt, tim đập mạnh, buồn nôn, tâm thần mệt mỏi. Sau đây là một số biện pháp cần xử trí khi bị say nắng, nóng.
Trước hết phải nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ râm mát, thoáng gió, cho uống nước mát. Tiếp theo xoa bóp các huyệt: khúc trì, đại lăng, thái uyên. Nếu bị ngất lịm, bấm thêm huyệt thiếu trạch, trung xung. Cách bấm: Một tay đặt trước bụng, tay kia dùng ngón cái bấm huyệt với lực hơi mạnh, ấn xuống rồi nhấc lên, liên tục như vậy mỗi huyệt 36 lần hoặc hơn tùy tình trạng người bệnh. Đồng thời cho người bệnh uống thuốc và ăn cháo giải nhiệt để hỗ trợ điều trị:
Bài 1: Hương nhu tươi 20g, rau má tươi 30g, lá sen tươi 20g, củ sắn dây tươi thái lát 20g. Cho các vị vào nồi, đổ nước vừa đủ sắc 2 lần, hòa chung 2 nước, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc bột sắn dây hòa vào thuốc rồi uống. Tác dụng: Chữa cảm nắng, nóng.
Cảm nắng và cách phòng ngừa
Bài 2: Rau má tươi 12g, lá tre 12g, lá hương nhu 16g, củ sắn dây thái lát 12g, nước vừa đủ. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 3: Lá bạc hà 8g, lá kinh giới 8g, cam thảo đất 12g, lá dâu 8g, lá tre 16g, kim ngân 16g. Sắc với 2 bát nước, đun sôi 20 phút, chắt nước lúc còn nóng. Lại sắc uống lần thứ 2. Uống 2-3 thang liền.
Bài 4: Mạch môn 120g, lô căn 150g. Dược liệu rửa sạch thái vụn, trộn đều, đựng lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi sau 30 phút thì uống. Có thể thêm chút đường phèn cho dễ uống. Tác dụng: Thanh nhiệt, hạ sốt, trị cảm nắng nóng có sốt.
Sau khi uống thuốc, cho bệnh nhân ăn cháo giải nhiệt: Đậu xanh (cả vỏ) 50g, lá dâu non 16g và lá tía tô 12g rửa sạch thái nhỏ. Đun chín đậu xanh (có thể cho 1 ít gạo tẻ), cho lá dâu, lá tía tô vào, đun sôi tiếp 5-10 phút. Ăn khi cháo nguội để tránh ra mồ hôi nhiều. Công dụng: Chữa cảm nóng có sốt cao, không sợ lạnh mà sợ nóng, mồ hôi dâm dấp, miệng khô, khát, nước tiểu vàng.
Vị trí huyệt:
Huyệt khúc trì: Chỗ lõm tại đầu lằn khuỷu tay khi gấp cánh tay ngang trước ngực.
Đại lăng: Gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào lằn chỉ (văn) tay ở đâu, đó là huyệt.
Thái uyên: Trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay.
Thiếu trạch: Cạnh góc trong chân móng tay út, cách 0,1 tấc, trên đường tiếp giáp da gan tay - mu tay.
Trung xung: Tại điểm giữa của đầu ngón tay giữa.
Diệp Bắc