Người nuôi cá hồi tại Sa Pa đứng ngồi không yên khi hàng chục tấn cá không tìm được đầu ra, nhưng người tiêu dùng tại Hà Nội muốn “giải cứu” cá hồi Sa Pa không biết mua ở đâu vì siêu thị, cửa hàng chỉ bán cá hồi Na-Uy.
Theo quan sát của PV, trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết đăng bán cá hồi Sa Pa theo giá “giải cứu” chỉ từ 200-250.000 đồng/kg với số lượng đặt hàng tương đối nhiều. Tuy nhiên, cũng không ít người bán phải đứng ra “xin lỗi” khách hàng vì gom đơn xong không có hàng trả khách vì khó khăn trong việc vận chuyển.
"Trước đây, người nuôi cá hồi chưa bao giờ phải bán lẻ như thế này. Thương lái họ đến từng hộ nuôi, thu mua với số lượng lớn với giá từ 240.000-250.000 đồng/kg. Thế nhưng, từ ra Tết, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến cho người nuôi cá hồi lao đao do vì không có khách mua", chị Loan (trú tại xã Ngũ Chỉ Sơn, huyện Sa Pa) chia sẻ .
Hộ nuôi cá hồi lớn nhất Sa Pa với hơn 100 bể nuôi, hiện anh Trần Thái và chị Bùi Ngọc Hương đang đứng ngồi không yên vì có khoảng 65 tấn cá hồi đến tuổi thu hoạch nhưng không biết bán cho ai.
Cá hồi được rao bán với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 200.000 đồng/kg.
“Nhà tôi nuôi cá hồi theo tiêu chuẩn VietGap, giống cá được nhập khẩu trực tiếp từ Ukraina. Quá trình nuôi yêu cầu phải rất cẩn thận và tỉ mỉ như: ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại thức ăn cho ăn; đặc biệt có sổ theo dõi các bể nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh. Chi phí nuôi cá tăng lên 20 - 25%. Trước đây, cá nuôi không đủ cung cấp cho thị trường tại Sa Pa để phục vụ khách du lịch với giá bán tại bể khoảng 260.000 đồng/kg”, anh Thái cho biết.
Theo anh Thái, những năm trước, thời điểm ra Tết có đông khách du lịch lên Sa Pa du xuân nhất, cá hồi được thu mua hàng ngày với giá cao, vì thế các hộ nuôi sẽ xuống giống vào thời điểm phù hợp để ra Tết được thu hoạch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Sa Pa vắng bóng du khách, nhà hàng đóng cửa, cá hồi Sa Pa không có nơi tiêu thụ. Hiện tại, anh Thái đang tiến hành sản xuất thêm cá hồi hun khói và ruốc cá hồi nhằm đa dạng sản phẩm, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng
Nhiều hộ nuôi cá hồi đang gặp tình trạng tương tự chị Loan khi cá đã đến lúc thu hoạch nhưng lại không tìm được đầu ra, trong khi nếu nuôi tiếp thì tiền thức ăn lại tốn một khoản không nhỏ.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Kinh tế (thị xã Sa Pa), trên địa bàn thị xã Sa Pa có trên 200 hộ nuôi cá nước lạnh, sản lượng hàng năm trên 500 tấn. Từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay còn hơn 100 tấn cá chưa bán được.
Dù giá cá hồi Sa Pa đang xuống thấp hơn nhiều so với cá hồi nhập khẩu, nhưng không ít ý kiến cho rằng cá được nuôi theo kiểu công nghiệp nên trọng lượng nhỏ, màu sắc nhạt hơn, mùi vị cũng kém hấp dẫn hơn. Vì vậy, cá hồi Sa Pa phù hợp với hình thức tẩm ướp, chế biến thay vì ăn sống trực tiếp.
Minh Anh