Hơn 66.000 người Việt tiêm vắc xin COVID-19 |
Tính đến 16 giờ ngày 16/4/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/Thành phố cho 66.366 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an.
Có 2.506 người được tiêm tại 9 tỉnh/TP trong ngày 16/04/2021 như sau: Hà Nội: 12 người; Quảng Ninh: 490 người; Hải Phòng: 144 người; Hải Dương: 54 người; TP. Hồ Chí Minh: 303 người; Bình Dương: 35 người; Bắc Ninh: 948 người (đợt 2); Hà Tĩnh: 362 người (đợt 2); Cao Bằng: 53 người (đợt2) và Phú Yên: 105 người (đợt 2).
Liên quan đến công tác tiêm chủng, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/4, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương được phân bổ vắc xin COVID-19 của COVAX phải nhanh chóng tổ chức tiêm, và hoàn thành trước ngày 5/5/2021. Địa phương nào không thực hiện tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi và thông báo rộng rãi.
Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng kế hoạch.
“Bộ Y tế đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao, chúng tôi tin rằng với đội ngũ chuyên gia như vậy và cách làm như vậy thì chúng ta tự tin có thể xử lý tốt những trường hợp có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Trên thực tế vừa rồi, Việt Nam đã xử lý tốt tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm”- Thông tin tại cuộc họp trực tuyến sáng 16/4 cho biết. |
Trong tổng số người đã tiêm chủng, hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Có thể thấy mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng vắc xin AstraZeneca.
Tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19” với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, thế giới triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng tình hình dịch vẫn là thách thức lớn với toàn cầu và Việt Nam. Các nước trong khu vực hiện đang đưa ra cảnh báo về tình trạng khủng hoảng kinh tế do COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị trực tuyến |
Trước bối cảnh các nước láng giềng có ca nhiễm tăng cao, trên thế giới chưa giảm số ca mắc, Việt Nam vẫn phải thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước, vì thế nguy cơ xảy ra dịch tại Việt Nam rất lớn. Bộ trưởng Long yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt không chủ quan, không lơ là.
Bộ Trưởng Long cho biết thêm, khu vực nóng bỏng nhất tại biên giới Tây Nam, các tỉnh Tây Nam Bộ. ''Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt là đối với các tỉnh có biên giới với Campuchia hết sức lưu ý, cần tăng cường kiểm soát đường biên giới. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tăng cường các lực lượng lên các chốt biên giới. Đề nghị các địa phương khi có người nhập cảnh về báo ngay cho địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện cách ly ngay các trường hợp này và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép. Đồng thời cần tăng cường tầm soát để phát hiện các ca nhiễm bằng việc tăng cường xét nghiệm tại khu vực và đối tượng có nguy cơ một cách thường xuyên, để phát hiện sớm mầm bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó Sở Y tế các địa phương cập nhật bản đồ an toàn COVID-19 tại các phòng khám tư nhân. Phòng khám nào không tuân thủ quy định phòng, chống dịch có thể đình chỉ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chuẩn bị kịch bản trong tình huống có dịch: nâng cấp cơ sở xét nghiệm để đáp ứng tình hình lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị cho cách ly trên diện rộng; chuẩn bị hậu cần; chuẩn bị cho công tác điều trị.. Với các cơ sở y tế, tiếp tục thực hiện khai báo y tế thông qua QR Code và sổ sức khỏe điện tử.
Hiện nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nặng sau tiêm chủng chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện trong thời gian qua.