Thủ tướng đồng ý cho Hà Nội, Hải Phòng mua vắc xin COVID-19 theo phương thức xã hội Đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm 2 vaccine phòng COVID-19 Hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 đã về Việt Nam |
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại tại buổi lễ tiếp nhận tài trợ thử nghiệm vắc xin COVIVAC sáng 27/2.
Vắc xin AstraZeneca có mức độ bảo vệ khá tốt
“Nguyên tắc chung là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực vắc xin nên các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, rất chắc chắn để những vắc xin đưa ra thị trường, tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Theo Bộ trưởng hiện nay các vắc xin Covid-19 được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Trong đó, nhiều nhất là vắc xin của Pfizer đã được cấp phép sử dụng tại 66 quốc gia, sau đó là vắc xin của AstraZeneca tại 50 nước và vắc xin của Công ty Moderna (Mỹ) tại 28 quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Báo Dân Trí |
Trong đó, vắc xin AstraZeneca được Việt Nam nhập về là một trong 2 vắc xin được WHO cấp phép trên phạm vi toàn cầu. Đây là cơ quan lớn nhất về mặt chuyên môn đánh giá về độ an toàn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
“Các dữ liệu đến nay cho thấy, vắc xin AstraZeneca có mức độ bảo vệ khá tốt, sau mũi 1 đạt hiệu lực 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều quan trọng, 100% các trường hợp được tiêm vắc xin AstraZeneca đều được bảo vệ để không tiến triển nặng thêm, đồng nghĩa có trường hợp mắc nhưng bệnh không nặng lên”, Bộ trưởng Long cho biết.
Ngoài 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca chắc chắn có vào năm 2021, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các nước để có thêm vắc xin. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên quy mô 100 triệu liều.
Theo Bộ trưởng, đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, là một thách thức rất lớn. Trước đó, với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vắc xin Sởi-Rubella, nước ta đã mất hàng tháng mới hoàn thành. Vì thế, lần này Bộ Y tế huy động tất cả các bộ ngành, lực lượng cùng tham gia để tăng độ bao phủ vắc xin trong thời gian ngắn nhất.
"Đến nay vắc xin Covid-19 trên toàn cầu có mức độ bảo vệ 6 tháng đến 1 năm vì thời gian chưa đủ để theo dõi. Cộng thêm, virus biến đổi nhiều nên hiệu lực bảo vệ của vắc xin chỉ trong thời gian nhất định. Vì thế, chúng tôi xác định phải luôn chủ động về vắc xin, coi vắc xin là vấn đề an ninh sức khỏe mới đáp ứng được nhu cầu chống dịch", Bộ trưởng nói.
Vì thế, một mặt thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế cũng đẩy nhanh việc tìm kiếm nguồn vắc xin nhập khẩu để đáp ứng với nguy cơ trước mắt.
Sản xuất vắc xin là vấn đề mấu chốt
Trong thời gian qua, Việt Nam coi sản xuất vắc xin là vấn đề mấu chốt, Bộ Y tế đã chỉ đạo thúc đẩy phát triển vắc xin trong nước.
Đánh giá về những lợi thế của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) khi tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc xin COVIVAC, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay đây là nghiên cứu đa trung tâm và quốc tế. Trước đây chúng ta đánh giá tiền lâm sàng trong nước nhưng vắc xin COVIVAC của IVAC đã không chỉ đánh giá ở Việt Nam mà còn ở Mỹ, Ấn Độ.
“Các kết quả thử nghiệm tại các trung tâm đều đồng nhất, cho thấy vắc xin có hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Vắc xin COVIVAC được phát triển trên dây chuyền công nghệ và nhà máy vắc xin đã có sẵn trong nước và làm chủ hoàn toàn công nghệ.
Khi đánh giá tiền lâm sàng và những thử nghiệm, Bộ trưởng khẳng định hiệu lực bảo vệ của vắc xin COVIAVAC rất tốt.
"Chúng tôi tự tin, ngoài vắc xin của Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì vắc xin COVIVAC của IVAC được coi là vắc xin tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch COVID-19"- Bộ trưởng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Long cũng thông tin, hiện Nanogen đã bước sang thử nghiệm giai đoạn 2 và tới đây Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc xin thứ 3 "Made in" Việt Nam do VABIOTECH sản xuất.
“Chúng tôi tin tưởng với những vắc xin Việt Nam có thể chủ động được sẽ bảo đảm nguồn cung, an ninh y tế và sẵn sàng phục vụ trong tình huống đại dịch và là nền tảng để tương lai vẫn có thể chủ động được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng như sử dụng thuốc hay các loại vắc xin khác đều có thể có phản ứng không mong muốn bao gồm: phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng /hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, các phản ứng thường gặp với tỷ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %. Tuy nhiên các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp được báo cáo theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, Nam Phi, Anh thì tỷ lệ phản ứng còn có thể cao hơn. |