Những linh kiện đi kèm tạo nên sức hút cho tác phẩm bonsai. |
Sáng tạo thế giới bonsai phục vụ khách hàng
Là người đam mê bonsai, anh Nguyễn Vạn Hiếu nhìn thấy tiềm năng từ linh vực này nên quyết định mở rộng kinh doanh để kết nối những người có chung đam mê.
Tháng 3.2021, Nguyễn Vạn Hiếu quyết định thuê mảnh đất rộng 48 m2 ngay cạnh nhà mình để mở vườn kinh doanh bonsai.
"Mình đầu tư thêm phôi, nhiều dòng bonsai từ mini đến thành phẩm như: mai chiếu thủy, linh sam… với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng/cây. Đặc biệt, mình chuyên về bonsai sam hương Indo, vì cây dễ chăm, phát triển mạnh, lá đẹp, bền nên khách ưa chuộng. Mình còn cho kiểng bám đá để tăng độ thẩm mỹ, thu hút người mua hơn", Hiếu chia sẻ.
Nguyễn Vạn Hiếu luôn tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực bonsai. |
"Bonsai luôn cần nắng, nước, phân đầy đủ... và mỗi loại cây sẽ có cách chăm sóc khác nhau. Có cây cần nắng liên tục, có cây cần nhiều nước. Và tùy theo khí hậu vùng miền mình sẽ chọn những cây phù hợp để chơi và kinh doanh", Hiếu nói.
Trung bình mỗi tháng Hiếu thu lãi từ bonsai khoảng 20 - 30 triệu đồng, có tháng đỉnh điểm lên đến 60 triệu đồng. "Thị trường bonsai nói chung và bonsai mini nói riêng ngày càng phát triển do đô thị hóa nhanh. Đặc biệt là ở TP.HCM, nhiều người muốn có mảng xanh ở ban công hay sân vườn nhà, tuy nhiên do diện tích nhỏ nên họ có xu hướng chọn những dòng kiểng mini", Hiếu cho biết.
Sự mới lạ của tác phẩm bonsai nằm ở phụ kiện. |
Biến phế liệu thành sản phẩm tiện ích cho bonsai
Gắn bó với bonsai, Nguyễn Vạn Hiếu còn tìm tòi khám phá những vật dụng để thuận tiện cho việc chăm sóc, uốn tỉa và tạo sự mới mẻ cho mỗi tác phẩm.
Để thuận tiện cắt tỉa, chăm sóc bonsai, Hiếu tận dụng những linh kiện, phụ tùng của xe máy cũ như: chuông nồi, tay dên, dĩa thắng, bạc đạn, nhông số... chế tạo ra một chiếc bàn xoay dành cho bonsai.
Những phế liệu được gom lại để sáng tạo linh kiện bonsai. |
"Mình từng làm thử một bàn xoay dành cho bonsai mini bằng những linh kiện, phụ tùng của xe máy cũ. Sản phẩm chịu lực tốt, xoay hướng cây dễ dàng, thuận tiện cho việc cắt tỉa. Thấy xu hướng chơi bonsai ngày càng nhiều nên mình quyết định đầu tư làm bàn xoay để kinh doanh thêm. Mình có một thuận lợi là cha mình trước đây làm trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí nên mình học hỏi được kinh nghiệm cắt, hàn…", Hiếu nói.
Theo Hiếu, ngoài chức năng hỗ trợ làm bệ đỡ bonsai, bàn xoay còn có thể ứng dụng vào việc cắm hoa, trưng bày đồ mỹ nghệ, tượng gỗ, đồ gốm, giày dép…
"Do nguyên liệu làm bàn xoay là sắt thép tinh luyện rất cứng chắc nên mình phải có máy móc "xịn" mới có thể cắt, mài, hàn, tạo ra bàn xoay đẹp, cũng như hạn chế dùng sức người. Với những bàn xoay có mặt to cỡ 32 - 36 cm thì mình phải cắt laser tấm sắt cho ra những mặt bàn tròn đều, cứng dày. Muốn bàn xoay chắc, đẹp, xoay dễ dàng, có tải trọng lên đến 300 kg, mình sử dụng kỹ thuật cắt tiện CNC, thêm những linh kiện nhỏ như sơ mi bạc đạn, trụ xoay gắn vào. Đó cũng là mấu chốt quyết định thành phẩm bàn xoay có độ thẩm mỹ mà vẫn chịu được sức nặng cao", Hiếu chia sẻ bí quyết.
Các sản phẩm bàn xoay bonsai tùy kích thước và tiện tích có già từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. |
"Do nhu cầu bàn xoay tăng cao nên linh kiện đôi khi không đủ đáp ứng, mình phải về các tỉnh lân cận tìm mua. Có những đợt không có hàng, mình phải ngưng sản xuất để đi "săn" đồ", Hiếu chia sẻ thêm.
Mỗi ngày Hiếu sản xuất 10 - 20 mẫu bàn xoay bonsai. "Bàn xoay bên mình giá từ 260.000 đồng đến 1,1 triệu đồng, trung bình mỗi tháng mình bán được từ 150 - 330 chiếc", Hiếu cho biết.
Một tác phẩm bonsai kết hợp với linh kiện của Nguyễn Vạn Hiếu. |
Đam mê bonsai và khám phá ra những giá trị từ lĩnh vực này từ bàn xoay bonsai. Không chỉ dành thời gian, công sức để chăm sóc, uốn tỉa nhằm tạo ra những tác phẩm đẹp độc lạ, Nguyễn Vạn Hiếu còn sáng tạo ra những linh kiện tiện ích cho việc chơi bonsai. Điều bất ngờ là lĩnh vực mới mẻ này lại đem lại giá trị kinh tế cao giúp anh có điều kiện đầu tư vào việc sáng tạo bonsai./.