Chuyên gia hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách Số ca sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng Bộ Y tế lo ngại nguy cơ bệnh truyền nhiễm tăng cao trước thềm năm học |
Bé gái L.T.H.N, 14 tháng tuổi, cư trú tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng.
Theo thông tin từ gia đình, ban đầu bé chỉ xuất hiện một vài nốt mẩn đỏ ở vùng bẹn và đùi, không có biểu hiện rõ ràng của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, sau đó bé bất ngờ sốt cao, co giật toàn thân và nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn.
![]() |
Bác sĩ liên tục theo dõi tình trạng trẻ. Ảnh: BVCC |
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ ghi nhận trẻ có nhiều vết loét trong vòm họng, các nốt phỏng nước rải rác ở vùng mông, kèm theo tình trạng suy hô hấp và huyết động không ổn định.
Cháu bé được xác định mắc tay chân miệng thể tối cấp mức độ 4 nguy kịch. Ngay lập tức kíp trực đã tiến hành cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch để cứu cháu bé. Sau 4 giờ điều trị tích cực, tình trạng của cháu không cải thiện, còn sốt cao liên tục, đáp ứng kém với các liệu pháp hạ sốt...
Trước diễn biến nghiêm trọng, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu cho bé. Trong quá trình lọc máu kéo dài 40 giờ, sức khỏe của trẻ dần có những chuyển biến tích cực.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định, ngừng dùng thuốc vận mạch và thuốc an thần, được cai máy thở và rút ống nội khí quản. Hiện tại, bé tỉnh táo, tự thở tốt, huyết động ổn định và ăn uống cải thiện rõ rệt.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Lan Anh, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
![]() |
Cháu bé mắc tay chân miệng do virus EV71. Ảnh: BVCC |
Bệnh thường biểu hiện bằng các tổn thương da và niêm mạc dưới dạng phỏng nước, xuất hiện ở những vị trí đặc trưng như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông và đầu gối. Dù đa số ca bệnh nhẹ và tự khỏi, tay chân miệng vẫn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, các ca biến chứng nặng thường liên quan đến chủng virus EV71.
Trường hợp của bé gái nói trên được xác định do nhiễm virus EV71 – một chủng virus nguy hiểm với diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ trong chưa đầy 24 giờ đã chuyển sang tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cũng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang khi trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, bởi phần lớn các trường hợp đều nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao khó hạ, ăn uống kém, giật mình bất thường, run tay chân, quấy khóc kéo dài, kích thích, nôn nhiều… để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Với các trường hợp bệnh tay chân miệng ở mức độ 4 – thể tối cấp có biến chứng về thần kinh, suy hô hấp và rối loạn huyết động – lọc máu liên tục là một kỹ thuật điều trị quan trọng. Phương pháp này giúp loại bỏ các chất trung gian gây viêm (cytokine), góp phần ổn định nội môi và cải thiện nhanh tình trạng sức khỏe cho bệnh nhi.
![]() |
![]() |
![]() |