Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, kết cấu của dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng: Chuyển Mục 5 Chương II về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm và Chương VI về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành Mục 8 và Mục 9 của Chương III về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài vì các quy định tại các mục này đều liên quan đến nội dung hoạt động và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; chuyển Mục 8 Chương III về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào Chương I về những quy định chung vì quy định tại mục này có phạm vi áp dụng chung cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều (giảm 01 chương và 03 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2).
Đối với phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự thảo Luật không điều chỉnh đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi vì bảo hiểm thương mại là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, phải bảo đảm được mục tiêu có lợi nhuận để duy trì hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm sẽ lựa chọn sản phẩm để kinh doanh tùy vào khả năng mang lại lợi nhuận của sản phẩm cũng như điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm. Người mua bảo hiểm cũng có quyền lựa chọn tham gia hay không tham gia tùy thuộc vào điều kiện tài chính cũng như nhu cầu bảo vệ của mình. Bảo hiểm thương mại mang tính tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm do nhà nước thành lập và quản lý nhằm bảo đảm an sinh xã hội; việc tham gia mang tính bắt buộc và theo mức ấn định của Nhà nước theo từng thời kỳ.
Đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi đều có mục đích, đối tượng, cách thức triển khai khác so với bảo hiểm kinh doanh thương mại. Bảo hiểm sức khỏe hướng tới đối tượng các khách hàng có nhu cầu được bảo hiểm ở mức bảo hiểm cao hơn so với quyền lợi tối thiểu của bảo hiểm y tế bắt buộc (đây là hình thức bảo hiểm tự nguyện). Hai hệ thống này cùng tồn tại và bổ trợ cho nhau. Dự thảo Luật cũng có quy định để cơ quan quản lý nhà nước có các hướng dẫn chi tiết việc liên kết, hợp tác giữa các loại hình bảo hiểm thương mại với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện, hạn chế sự chồng chéo, tránh lãng phí nguồn lực xã hội (khoản 3 Điều 150).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9 |
Đối với nguyên tắc áp dụng của Luật, bày tỏ quan điểm về sự cần thiết quy định nguyên tắc áp dụng hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ Chương quy định về hợp đồng bảo hiểm và chỉ quy định chung về hợp đồng.
Do đó, để xác định rõ thứ tự ưu tiên áp dụng luật và bao quát được toàn bộ quy định về hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm hàng hải, cần thiết phải quy định nguyên tắc áp dụng luật tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; đối với những vấn đề mà Bộ luật Hàng hải không quy định thì áp dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm thì được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về vấn đề nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng việc ưu tiên áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với một số nội dung mang tính chuyên ngành, đặc thù về kinh doanh bảo hiểm là cần thiết, do đó dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng làm rõ việc ưu tiên áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với một số nội dung cụ thể mang tính đặc thù, chuyên ngành về lĩnh vực bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 3.
Cụ thể như: hợp đồng bảo hiểm (trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải), việc thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp để bảo đảm an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác và không gây ra các xung đột pháp luật, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính ổn định của Luật Kinh doanh bảo hiểm khi các luật khác thay đổi thì những nội dung quy định đặc thù không bị ảnh hưởng bởi các luật khác./.