Xin ý kiến Hội nghị ĐBQH chuyên trách về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các loại hình bảo hiểm |
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này với 246 lượt ý kiến. Sau kỳ họp, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp để rà soát, tiếp thu và chỉnh lý, khảo sát, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp thứ 9.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ dự án luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và đưa ra thảo luận tại hội nghị.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số nội dung cơ bản thống nhất để tiếp thu trong dự thảo luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị như về kết cấu của dự thảo Luật, các quy định về nguyên tắc áp dụng luật, hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bảo hiểm vi mô…
Bên cạnh đó vẫn còn nội dung có ý kiến khác nhau. Theo đó, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 111 của dự thảo Luật. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đề nghị nêu rõ sự cần thiết phải duy trì quỹ, hiệu quả sử dụng, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng có liên quan. Dự thảo luật trình Hội nghị có một số thay đổi so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, như kết cấu của dự thảo luật, giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc áp dụng pháp luật, các loại hình bảo hiểm về bảo hiểm vi mô.
Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, các quy định về hợp đồng bảo hiểm, quy định về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm....
Hài hòa lợi ích của bên mua và bên bán bảo hiểm
Góp ý về chế định hợp đồng bảo hiểm, nhấn mạnh các quy định về loại hình bảo hiểm là nội dung rất quan trọng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các chủ thể trong kinh doanh bảo hiểm như bảo vệ lợi ích của người cung cấp dịch vụ, người làm hợp đồng và người thụ hưởng bảo hiểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các loại hình bảo hiểm để đảm bảo cách phân loại có hệ thống và thống nhất trong dự thảo. Đồng thời, xem xét quy định về 3 loại hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp và mỗi hợp đồng bảo hiểm phải có các nghiệp vụ bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm và phải do Chính phủ quy định.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang lưu ý cần bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, như quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến |
Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, quy định nhiệm vụ xây dựng ngân hàng dữ liệu chung thống nhất trên toàn quốc để làm cơ sở cho việc tính phí, nhằm đảm bảo sự công bằng, thống nhất với các công ty bảo hiểm, tích hợp với cơ sở dữ liệu cá nhân kết nối với Căn cước công dân trong xu thế số hóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng tiếp cận và phê duyệt yêu cầu bảo hiểm thông qua hệ thống xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm cho từng cá nhân, tương tự như đối với các tổ chức tín dụng khi duyệt cho vay cá nhân. Đại biểu cho rằng, đây cũng là một hình thức để cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người dân. Tăng cường giám sát hậu kiểm và thanh tra thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có cơ chế và quy định rõ ràng về kiểm soát chất lượng tư vấn của các đại lý thông qua việc cấp và phát hành chứng chỉ hành nghề; bổ sung quy định những hình thức xử phạt mang tính răn đe với các hành vi biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lừa đảo nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào ngành bảo hiểm.
Cụ thể hóa các nội dung nguyên tắc, yêu cầu về hợp đồng bảo hiểm
Bày tỏ có cùng băn khoăn với đại biểu Tạ Thị Yên về bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, lại không giải thích thế nào là chi phí hợp lý mà sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên |
Thực tế thì hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu, không thể thay đổi, đặc biệt là đối với bên mua bảo hiểm là những cá nhân, họ càng không đủ kiến thức để hiểu tầm quan trọng của việc này. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị bổ sung trong luật, nếu không thể bổ sung trong luật thì phải giải thích rõ trong các văn bản dưới luật và chi phí hợp lý này phải được đưa vào trong hợp đồng bảo hiểm để tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố tình liệt kê các loại chi phí không hợp lý, ép người mua bảo hiểm phải chịu.
Đánh giá dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều điều khoản nhằm tạo hành lang pháp lý cho thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, bên cạnh những điều khoản nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm. Trong đó, bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm vào khoản 1 Điều 17 của dự thảo luật về nội dung phải có trong hợp đồng bảo hiểm và xác định đây là điều khoản bắt buộc.
Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe hay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, do đặc thù về tính chất bảo hiểm, về khả năng tiếp cận thông tin và vị thế của người được bảo hiểm trong thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung một số nguyên tắc gồm: Quy định việc công ty bảo hiểm đảm bảo rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng và đầy đủ về quyền lợi được bảo hiểm và những phạm vi bị loại trừ liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và việc sử dụng dịch vụ y tế, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm chỉ thông tin về quyền lợi được hưởng mà không thông tin về những quyền lợi bị loại trừ, bảo đảm rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng và đầy đủ về việc khai báo thông tin sức khỏe khi được yêu cầu. Các thông tin người mua bảo hiểm tự khai không phù hợp với chuyên môn về y tế, phải được thảo luận, tìm hiểu để thống nhất giữa người mua và công ty bảo hiểm.
Làm rõ sự cần thiết duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm
Liên quan đến Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng duy trì cả hai loại quỹ có chung mục đích là không cần thiết và tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm thì được xem như để xử lý những vấn đề rủi ro. Tuy nhiên, do quy định pháp luật của chúng ta từ trước đến nay với quy định là khi phá sản mới được xử lý thì rõ ràng không bao giờ thực hiện được. Do đó, nếu Bộ Tài chính yêu cầu và đề nghị giữ lại quỹ này thì cần phải báo cáo, giải trình rõ hơn về những nội dung liên quan đến hoạt động quỹ này và những tác động ảnh hưởng khi chuyển sang hướng kiểm soát rủi ro trước thì sẽ xử lý và thực hiện quỹ thế nào.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm |
Làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đều có cùng một mục tiêu là bảo vệ cho người được bảo hiểm nhưng hình thành khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện nay quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.
Bộ Tài chính mong muốn duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Mặc dù có Quỹ dự trữ và được tiền bảo vệ nhưng cũng có khả năng bất khả kháng sẽ xảy đến vấn đề khó khăn thì Quỹ này dùng để can thiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc duy trì quỹ này sẽ đảm bảo được lợi ích và tính chủ động và là một công cụ cho cơ quan nhà nước can thiệp.
Tiếp thu tối đa các nội dung có sự thống nhất cao
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ phối hợp cùng với Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu phát biểu ngày hôm nay để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội.
Đồng thời chia sẻ, đây là luật rất khó, có chuyên môn rất sâu. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Kinh tế nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến của nhiều bên có liên quan, những vấn đề gì đã rõ, đã được thống nhất cao sẽ tiếp thu tối đa để đưa vào dự án luật. Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc chưa tạo sự thống nhất cao, sẽ nghiên cứu hoặc giao cho Chính phủ có thể quy định chi tiết, tránh tuổi thọ của luật ngắn phải sửa đi, sửa lại nhiều.
Kết luận nội dung thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; ghi nhận dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo các hiệp định quốc tế và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, như áp dụng pháp luật, kết cấu của dự thảo luật, các nội dung lớn của từng nhóm vấn đề đã được nêu ra trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị, có ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các luật đã được thảo luận, các tài liệu đúng theo quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3./.