Phát triển ngành nông nghiệp bền vững
Cắt băng xuất hành và xuất phát xe chở lô hàng xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc. |
An Phú là một huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước... Những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển cây ăn trái nhiệt đới. Thời gian qua, chủ trương chuyển dịch đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái của huyện đã phát huy hiệu quả.
Theo UBND huyện An Phú, hiện nay, tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện là 2.061ha, trong đó, diện tích sản xuất xoài khoảng 1.860ha, chiếm trên 90% diện tích cây ăn trái của huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu và thị trấn Long Bình, với sản lượng trên 55.000 tấn/năm.
Từ năm 2016 diện tích trồng xoài keo khoảng trên 300 ha và phát triển mạnh theo từng năm. Xác định mục tiêu phấn đấu hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thời gian qua, với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh, đặc biệt là Sở NNPT&NT cùng các tổ chức quốc tế, trong đó có dự án GIC, UBND huyện An Phú đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ cho nông dân trong việc xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển vùng sản xuất xoài, tập huấn, tuyên truyền vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng… nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường.
Lãnh đạo huyện An Phú, tỉnh An Giang cùng doanh nghiệp công bố lô xoài keo An Giang xuất đi Hàn Quốc. |
Hiện trên địa bàn huyện có 2 vùng sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Khánh An, Phú Hữu với diện tích 354ha và đã cấp được 61 mã số vùng trồng trên xoài keo xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc. Đặc biệt sản phẩm xoài keo của hợp tác xã nông nghiệp Long Bình được công nhận đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” 3 sao từ năm 2021 đến nay.
Ông Trần Văn Trí - nông dân trồng xoài (ngụ xã Khánh Bình, huyện An Phú) cho biết, thời gian qua trong quá trình sản xuất, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của các sở, ban ngành và Đảng, Nhà nước, các thành viên của hợp tác xã còn được sự hỗ trợ tích cực về khoa học kỹ thuật của các viện, trường, đặc biệt là dự án GI tại Việt Nam, đã giúp người dân thay đổi được tập quán canh tác truyền thống, nắm bắt khoa học kỹ thuật và mạnh dạn ứng dụng, đầu tư vào quy trình sản xuất. Nhờ đó mà những năm gần đây, việc sản xuất cây ăn trái nói chung và trái xoài nói riêng trên địa bàn của huyện ngày càng được chủ động hơn.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Bình - thành viên liên kết sản xuất xoài keo, diện tích sản xuất nằm trong mã vùng 3 xã (Khánh Bình, Khánh An, Long Bình) cho rằng từ khi bản thân tham gia liên kết với hợp tác xã nông nghiệp Long Bình 2017 đến nay cũng trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.
“Tuy nhiên, tôi được hợp tác xã động viên vượt khó để sản xuất nên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng, khoa học kỹ thuật đề giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận cho vườn xoài của gia đình. Để cùng nhau liên kết trong chuỗi sản xuất tiêu thụ xoài keo bền vững trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục canh tác đảm bảo theo quy định, quy trình sản xuất cung ứng sản phẩm chất lượng cho các thị trường khó tính”, anh Bình chia sẻ.
Lần đầu tiên xuất khẩu 18 tấn xoài keo sang Hàn Quốc
Huyện An Phú ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ xoài với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. |
Lễ công bố xuất khẩu lô xoài Keo sang Hàn Quốc vào sáng 27/3 được tổ chức tại xã Long Bình, UBND huyện An Phú, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức. Nhân dịp này, địa phương cũng ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai hỗ trợ nông dân trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ xoài keo.
Tìm hiểu được biết, lô xoài xuất khẩu đợt này là 18 tấn xoài Keo sang thị trường Hàn Quốc đã được Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Ngoài ra, Hợp tác xã còn liên kết với Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (ANTESCO) trong việc tạo vùng nguyên liệu xoài Keo phục vụ cho chế biến. Từ thành công đưa trái xoài keo xuất khẩu, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số các vùng trồng xoài còn lại để tăng sản lượng xuất khẩu.
Ông Trang Công Cường, Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) đưa thùng xoài lên xe xuất đi Hàn Quốc. |
Huyện An Phú cũng tập trung củng cố các hợp tác xã xoài, đặc biệt là hợp tác xã được công nhận VietGAP, GlobalGAP đi vào hoạt động đạt hiệu quả. Đồng thời huyện cũng đẩy mạnh vận động, hướng dẫn cho người dân đổi mới quy trình sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ vi sinh... giám sát, kiểm tra chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái xoài.
Để thực hiện chuỗi liên kết xoài mang tính bền vững, huyện An Phú sẽ tăng cường mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái trên địa bàn huyện; tăng cường vận động nhà vườn tham gia vào kinh tế tập thể, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; tăng cường công tác quảng bá và kết nối với thị trường; liên kết doanh nghiệp trên lĩnh vực sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Phấn khởi khi lô xoài đầu tiên của HTX được xuất khẩu sang Hàn Quốc, ông Huỳnh Thanh Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình nói: “HTX chúng tôi mong chờ sự kiện này rất lâu rồi, vừa bán được có chất lượng, thỏa thuận được giá, chúng tôi rất hài lòng với giá này. Thông qua sự kiện này, tôi đánh giá rất cao thành công cũng như sự mong đợi của bà con. Sự kiện này góp phần giúp bà con có động lực hướng tới sản xuất sản phẩm có chất lượng hơn và nâng cao số lượng sản phẩm”.
Ông Trang Công Cường - Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang phát biểu. |
Ông Trang Công Cường cho biết, để trái xoài của huyện An Phú được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc… và chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã nỗ lực phấn đấu rất lớn với quá trình hơn 10 năm đàm phán gian nan và thử thách. Quả xoài phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác như hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ… Và sau bao ngày nỗ lực và phấn đấu, An Phú rất vui mừng khi đã có sản phẩm xoài keo xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ngay đầu năm 2024.
“Qua sự kiện này, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân sản xuất; sơ chế và thương mại sản phẩm xoài. Đẩy mạnh hỗ trợ việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững, tiếp tục phát huy vùng sản xuất hiện có, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số các vùng trồng còn lại để tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới, đồng thời phối hợp với các công ty xuất khẩu trái cây khảo sát thêm các vườn xoài khác để ký hợp đồng xuất khẩu”, ông Cường nhấn mạnh.
Thời gian tới, huyện An Phú, An Giang cũng đẩy mạnh tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tiêu thụ xoài loại 2, loại 3 làm giảm áp lực lên xuất khẩu trái tươi. Bởi sản phẩm chế biến sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tiếp cận các thị trường xa, khó tính như Mỹ, châu Âu.
Trước đó, ngày 5/1 và ngày 19/2, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) đã xuất khẩu 2 lô xoài sang thị trường Úc, Mỹ và Hàn Quốc. Cụ thể: 6 tấn xoài tượng da xanh sang thị trường Úc, 1 tấn xoài tượng da xanh sang thị trường Mỹ và 13 tấn xoài hạt lép sang thị trường Hàn Quốc. |