Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu |
Chiều 8/9/2022, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian, đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cho dự án Luật. Sự quan tâm này là nguồn động viên lớn cho các cán bộ, nhân viên, nhà quản lý trong lĩnh vực y tế để tiếp tục công việc lớn lao và ý nghĩa của mình.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước để ngành y tế tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ xác định đây là dự án Luật rất quan trọng.
Thời gian qua, ngành y gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách. Để hiện thực hóa những mong muốn của các đai biểu, của cử tri và Nhân dân, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ý kiến góp ý của các đại biểu, tổ chức nhiều hội nghị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đa chiều để dự thảo Luật được hoàn thiện, toàn diện nhất.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ xác định đây là dự án Luật rất quan trọng. |
Đi vào nội dung cụ thể, về tổ chức đánh giá năng lưc khám chữa bệnh, cấp giấy phép hành nghề, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là nội dung mới, quan trọng và phức tạp. Dự thảo Luật đã quy định rõ những điều kiện đăng ký cấp giấy phép hành nghề.
Qua quá trình soạn thảo, tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận quy định theo hướng thời điểm kiểm tra là sau khi hoàn thành thực hành, vì thực hành là quá trình áp dụng kiến thức trường lớp dưới sự hướng dẫn của người lành nghề. Quy định này tương tự với quy định trong hành nghề luật sư. Đây cũng là hình thức nhiều nước trên thế giới đang sử dụng.
Về mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia, dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, còn thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép hành nghề thì giao các cơ quan quản lý nhà thực hiện theo thẩm quyền quán lý.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được bổ sung quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia để làm rõ hơn địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội nghiên cứu, thể hiện tại dự thảo Luật một cách phù hợp, cụ thể hơn.
Về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu tại điểm này mà chúng ta đưa ra được các định hướng về giá thì rất phù hợp, kết hợp với Luật Giá sẽ tạo nên hành lang pháp lý hết sức phù hợp. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đảm bảo lộ trình tính đúng tính dủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh chữa bệnh, cân đối, đảm bảo chi phí.
Tuy nhiên cũng có nhiều áp lực đối với các bệnh viện trong việc tự chủ của mình. Vấn đề này Bộ sẽ tiếp tục có các chỉ đạo và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo Luật sau khi ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại hạn chế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc tốt nhất sức khỏe của người dân.