Phú Yên: Tôm, cá chết đột ngột do thiên tai Cá chết ở Hồ Tây: Cần đảm bảo chất lượng môi trường nước Lâm Đồng: Cá chết nổi la liệt ở hồ Xuân Hương |
Hơn 90 tấn tôm, cá nuôi của ngư dân bị chết đột ngột. |
Ngày 22/5, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, vừa qua tại đầm Cù Mông (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết đột ngột với số lượng lớn.
Hiện tượng xảy ra từ đêm 17/5 khiến 160 hộ bị thiệt hại, với khoảng 61,39 tấn tôm hùm và 29,5 tấn cá biển các loại. Đa số là tôm hùm, cá biển đạt cỡ thương phẩm.
Những ngày tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng hiện tượng tôm hùm, cá biển nuôi tiếp tục chết do vốn đã bị yếu, sốc trong mấy ngày qua.
Qua khảo sát thực tế, Sở NN-PTNT Phú Yên đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm, cá chết hàng loạt là do mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết từ ngày 17 - 19/5 phức tạp, nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa giông vào tối 17/5 đã làm nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng ô xy hòa tan trong nước, nhất là trong khoảng thời gian từ 0 - 3 giờ sáng.
Ngoài ra, có khả năng hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm tăng đột ngột vượt ngưỡng (nước tại vùng nuôi có mùi thối nặng) cũng gây hiện tượng tôm hùm, cá nuôi bị chết.
Tôm chết được thu mua với giá từ 50.000 - 400.000 đồng/kg. |
Để hạn chế tình trạng thủy sản nuôi bị chết, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành thu mẫu thủy sản để xét nghiệm bệnh; Chi cục Thủy sản tiến hành thu mẫu nước để xét nghiệm các chỉ tiêu môi trường.
Đồng thời, kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III hỗ trợ tỉnh xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển nuôi chết đột ngột, số lượng lớn, từ đó có giải pháp khắc phục.
Trước mắt, để hạn chế thiệt hại, ông Nguyễn Tri Phương cho hay Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị UBND thị xã Sông Cầu, Đông Hoà và huyện Tuy An, chỉ đạo các xã, phường, người nuôi thuỷ sản xuất bán ngay khi đối tượng thủy sản nuôi đã đủ kích cỡ thương phẩm, không giữ chờ giá, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, không nuôi với mật độ dày, san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi. Không thả lại giống thủy sản nuôi trong thời gian này.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết đưa vào bờ xử lý theo quy định.
Giảm 50-70% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt; chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm để tăng sức đề kháng của thuỷ sản nuôi trong giai đoạn thời tiết nắng nóng gay gắt, diễn biến thất thường.
Đà Nẵng: Cá chết trắng sông Cổ Cò do nồng độ oxy hòa tan thấp hơn giới hạn cho phép |
Phú Yên: Tôm, cá chết đột ngột do thiên tai |