![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Viết Thành |
Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề liên quan tới việc sắp xếp tổ chức bộ máy, dân sinh, xã hội được nhiều cử tri quan tâm, đặt câu hỏi.
Tổng Bí thư gợi ý miễn phí bữa ăn cho 1 triệu học sinh
Gợi mở về chính sách chăm lo giáo dục và chính sách học đường cho học sinh, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Hà Nội cần tiếp tục quan tâm sâu sát đến việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tạo điều kiện học tập, phát triển toàn diện cho trẻ em.
Theo Tổng Bí thư, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học và THCS trên tinh thần không tăng thêm áp lực học tập cho học sinh, không dạy thêm học thêm biến tướng.
Để chính sách này có hiệu quả, Tổng Bí thư cho rằng Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh.
"Tôi thấy cái này rất đáng quan tâm, ở Hà Nội hiện nay có khoảng 1,4 triệu học sinh tiểu học, THCS. Nếu tổ chức được bữa ăn trưa ở trường thì đỡ hơn rất nhiều, bố mẹ không phải hớt ha hớt hải để về đón con, đưa con tới trường, rất vất vả.
Tôi tính sơ bộ mỗi bữa trưa mỗi cháu 30.000 đồng. Các đồng chí tính toán, nếu được thì từ tháng 9 năm nay áp dụng, tôi gợi ý như vậy" - Tổng Bí thư gợi mở.
Ưu tiên dùng trụ sở dôi dư sau sáp nhập làm trường học
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Viết Thành |
Cử tri Trần Thị Nhị (quận Đống Đa) đánh giá việc sáp nhập tỉnh, thành với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" thực sự là một cuộc cách mạng quyết liệt chưa từng có tiền lệ. Người dân đồng tình ủng hộ chủ trương này với mong muốn dành thêm nguồn lực chăm lo cho y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội.
Với tài sản công và các trụ sở cơ quan dôi dư sau sáp nhập, cử tri đề nghị có giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời gợi ý có thể xem xét chuyển đổi công năng những nơi này thành trường học, cơ sở y tế, nhà ở xã hội…
Trả lời kiến nghị cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, sẽ ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế.
"Bây giờ làm gì còn đất xây trường cho các cháu đi học, làm gì còn đất để xây trường học nữa. Cơ quan, trụ sở dôi dư ưu tiên đầu tiên là cải tạo, sửa chữa, mở trường, mở lớp. Ưu tiên thứ hai là cho cơ sở y tế, trạm y tế của xã, phường để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng gợi mở dùng những trụ sở dôi dư cho hoạt động công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa, thể dục, thể thao của người dân.
Nêu thực tế tại nhiều phường hiện nay không có không gian để người dân sinh hoạt các câu lạc bộ, thậm chí họp chi bộ cũng không có chỗ, Tổng Bí thư yêu cầu dành trụ sở phường dôi dư sau sáp nhập để phục vụ sinh hoạt động đồng.
"Phải có nơi phát triển văn hóa, thư viện, có nơi cho các cụ đánh cờ, vui chơi... Tôi tin chắc rằng làm tốt việc này thì không có chỗ nào lãng phí cả", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm vì các khu chung cư đến nay không bảo đảm an toàn và luôn mong muốn người dân có nơi ở mới tốt hơn.
Nhất trí về chủ trương, chính sách cải tạo chung cư cũ phải hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là chủ trương rất rõ và nhất định phải làm.
Đối với ý kiến cử tri nêu về việc đặt tên phường, xã mới của Thủ đô, Tổng Bí thư cho rằng, Hà Nội có thể tham khảo việc đặt tên phường mới mà TP.HCM đề xuất khi sử dụng tên những địa danh nổi tiếng một thời.
"Ví dụ như phường Chợ Lớn. Trước đây TP.HCM đặt Phường 1, Phường 3, Phường 5, Phường 7... nhận diện của Nhân dân rất khó. Vấn đề này là do HĐND thành phố quyết định, nhưng đặt tên chỉ cần nhắc đến tên là hình dung được ngay", Tổng Bí thư gợi ý.
![]() |
![]() |