![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Ngày 28/3, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư cho biết, việc sắp xếp bộ máy được thực hiện trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 18 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nhưng đảm bảo không làm gián đoạn công việc. Mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ. Các bước đi được thực hiện bài bản, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và định hướng chỉ đạo từ Trung ương.
Theo đó, bộ máy hành chính và hệ thống chính trị sẽ được sắp xếp theo hướng khoa học, nhân văn, triển khai từ Trung ương xuống địa phương với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Chỉ trong hai tháng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định quan trọng; Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 cũng đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp giải tỏa tâm tư và tạo thuận lợi cho quá trình sắp xếp. Đồng thời, Bộ Chính trị đang xây dựng các nội dung trình Trung ương về đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện và xã; cùng với đó là kế hoạch tổ chức lại các tổ chức chính trị, xã hội, các hội quần chúng trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc sắp xếp này nhằm mục tiêu tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng trưởng, đồng thời đảm bảo quốc phòng - an ninh với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045-2050 và xa hơn.
![]() |
Mô hình tổ chức bộ máy hành chính sẽ gồm ba cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường, không còn cấp huyện. Ảnh: Hoàng Hà |
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, dự kiến sắp tới cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố hiện nay; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Mô hình tổ chức bộ máy hành chính sẽ gồm ba cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường, không còn cấp huyện.
"Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tới chính quyền. Từ đó tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực, vùng để đất nước ta sớm được phồn vinh. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho biết hiện nay khoảng 80% quốc gia trên thế giới tổ chức hệ thống chính quyền ba cấp, trong khi Việt Nam là một trong hơn 10% các nước duy trì mô hình bốn cấp. Thực tế cho thấy có sự trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp hành chính. Nhiều việc Trung ương làm, tỉnh cũng thực hiện; tỉnh làm, huyện và xã cũng triển khai.
"Do vậy cần thiết phải sắp xếp lại theo hướng Trung ương làm thì tỉnh thôi, nếu tỉnh làm thì xã thôi và nếu xã làm thì tỉnh không làm nữa. Bộ máy tinh gọn phải thống nhất như vậy", Tổng Bí thư nói. Thay vào đó, Trung ương sẽ làm công tác chiến lược quốc gia, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; còn tỉnh phải triển khai những vấn đề cụ thể ở địa phương, đặc biệt là cấp xã.
Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất là chính quyền cấp xã, bởi đây là cấp cơ sở, trực tiếp tổ chức triển khai mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Nếu các nghị quyết không được thực hiện đến chi bộ, đảng viên và nhân dân thì chỉ mang tính hình thức.
Theo Tổng Bí thư chính quyền cấp xã trước đây chưa được phân cấp, phân quyền đầy đủ, ít trách nhiệm về các vấn đề kinh tế xã hội; y tế, giáo dục do các cấp tỉnh, huyện đảm nhiệm; xã chủ yếu giải quyết thủ tục hành chính. Nay quy trình sẽ đảo ngược.
"Cán bộ xã, cán bộ cơ sở phải thực sự nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hiểu rõ những mong muốn, khó khăn và nhu cầu của người dân để chủ động giải quyết", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, với tinh thần "không chỉ làm một lần là xong". Sắp tới, Trung ương sẽ họp bàn về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính; rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp tinh gọn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị gắn với đội ngũ cán bộ đủ năng lực, uy tín…
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng. Đó là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. |