![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại thảo luận Tổ 01. Ảnh Quochoi.vn |
Thời điểm chín muồi để thực hiện tinh gọn, tổ chức bộ máy
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển, muốn bứt phá phải sắp xếp, tinh gọn. Đây cũng là thời điểm chín muồi để thực hiện và được người dân đồng tình. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân – đây là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra.
Vì vậy, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình tổ chức bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy, trong quá trình thực hiện đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
“Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để toàn dân thực hiện. Bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động, mà phải phù hợp với Quốc hội, phù hợp với Chính phủ, phù hợp với các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách. Chúng ta cũng cần kiểm điểm, đánh giá hàng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Mặc dù vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn thấp so với thế giới; nguy cơ tụt hậu của nước ta cũng được Đảng ta nhận diện từ sớm, trong đó nguy cơ tụt hậu là một trong bốn nguy cơ; nguy cơ này vẫn đang hiện hữu, thậm chí còn phức tạp hơn, vì các quốc gia trên thế giới đang phát triển nhanh.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến mục tiêu phát triển con người – động lực phát triển của đất nước, cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. “Cần tính đến các cơ chế hành pháp, tính công bằng pháp quyền, mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta tăng cường phòng, chống tham nhũng để chứng minh được được bộ máy hành chính liêm chính… Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước, của chính quyền”, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đạt được mục tiêu tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, có nhiều giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu quan trọng. Tổ chức bộ máy nhà nước phải động viên được Nhân dân tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước; Cần xác định điểm nghẽn cản trở mục tiêu phát triển hai con số trong khi tiềm năng của chúng ta rất lớn; Cần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân; thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ…
Nhà nước phải chăm lo quyền làm chủ của người dân
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi cùng các đại biểu bên lề cuộc họp. Ảnh Quochoi.vn |
Người đứng đầu Đảng nói điều đau đáu hiện nay là vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Thành quả đổi mới đất nước vừa qua "là rất vĩ đại" nhưng khi nhìn ra quốc tế, trình độ phát triển của Việt Nam còn quá chậm. Khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Như Singapore, cách đây 50-60 năm nói được sang Sài Gòn, khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy là niềm mơ ước. Giờ đây thì ngược lại, người Việt Nam mơ ước để sang Singapore khám bệnh. Các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc đều có các bước phát triển vượt bậc. Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhưng sau khi cải cách mở cửa, thu nhập bình quân của người dân hiện là 12.000 USD, còn Việt Nam chưa được 5.000 USD.
"Thủ tướng Malaysia từng nói Việt Nam nếu cứ đi lững thững thì khó có thể đuổi kịp Malaysia, nhưng nếu Việt Nam tính toán lại, tận dụng lợi thế, tiềm năng, tài nguyên, con người thì Malaysia sẽ phải dè chừng", Tổng Bí thư cho hay. Vì vậy Tổng Bí thư nhấn mạnh "đây là thời điểm toàn xã hội phải chuyển mình". Muốn đất nước phát triển thì phải có sự tăng trưởng, mà biểu hiện quan trọng nhất của tăng trưởng là đời sống nhân dân phải thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao trên tất cả các mặt, từ xã hội, y tế, giáo dục văn hóa.
Theo Tổng Bí thư, trong một xã hội phát triển, đất nước phát triển, người dân có nhu cầu về chăm sóc, học hành, tự do, làm giàu, phát triển. Vì vậy, Nhà nước phải chăm lo quyền làm chủ của người dân, hoàn thiện cơ chế hành pháp, công bằng về pháp quyền, nâng cao mức độ liêm chính của Chính phủ, Nhà nước và phòng chống tham nhũng.