Thủ tướng yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá, đạt mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, từ đó đạt 14-15 triệu tấn lúa, 9-10 triệu tấn gạo. |
Ngày 15/10, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Cùng dự Hội nghị có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ và 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre không tham gia đề án).
Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. 12 tỉnh cùng tham gia trồng lúa phát thải thấp gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Chương trình đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Hiện, mỗi năm các tỉnh miền Tây sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Phấn đấu mỗi năm có 9-10 triệu tấn gạo chất lượng cao
Thủ tướng yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá, đạt mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, từ đó đạt 14-15 triệu tấn lúa, 9-10 triệu tấn gạo, phấn đấu đến năm 2030, thậm chí là sớm hơn nữa đạt mục tiêu này ở phân khúc cao. Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu phải quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài với nguyên tắc chất lượng cao, phát thải thấp; các địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành quy hoạch này trong quý II/2025.
Đề cập việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao xứng tầm Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng cùng các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bằng được các thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới; đi đôi với đó là mẫu mã, bao bì, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý… "Cơ chế, chính sách phải ưu đãi, thể chế phải ưu tiên", Thủ tướng nêu rõ, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc huy động nguồn vốn hỗ trợ, trong đó ngân hàng hỗ trợ bằng các gói tín dụng cho các đối tượng cần thiết; từ nay đến cuối năm cần nghiên cứu đề ra chính sách tín dụng ưu đãi cho lúa gạo; sang năm 2025, cần nghiên cứu, huy động gói tín dụng khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho Đề án này; các ngân hàng cũng phải tăng cường cho các doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ mua sắm vật tư, giống, phát triển sản xuất kinh doanh.
Về vay vốn của các đối tác phát triển, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm vay và về cấp phát lại; lập quỹ hỗ trợ 1 triệu ha gồm vốn của Nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn xã hội hoá.
Về phát triển thị trường, Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao kết nối thị trường trong nước với ngoài nước, với các doanh nghiệp; phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản xuất, sản phẩm. Nhấn mạnh cần tích cực chống biến đổi khí hậu, khắc phục sạt lở, hạn hán, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án tổng thể về việc này, có phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương; đề nghị tổng kết mô hình này đang được thực hiện tốt ở Cà Mau.
Thủ tướng nêu rõ, Đề án phải mang tính tổng thể và hết quý I/2025 phải hoàn thành; bảo đảm mục tiêu phát thải thấp, giảm khí methane trong nông nghiệp, tăng cường bán tín chỉ carbon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phụ trách việc này.
Thủ tướng đặt ra yêu cầu về "5 rõ"
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Tạ Quang |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tính đến nay đã gần một năm triển khai đề án, nên hôm nay Chính phủ tổ chức hội nghị để đánh giá thời gian qua cái gì làm được, cái gì chưa làm được, việc làm tiếp theo thì trách nhiệm của từng người là thế nào.
"Tôi hay nói trách nhiệm là phải năm rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ tiến độ. Những cái làm được thì rút kinh nghiệm và phát huy, những cái chưa làm được thì phải có nguyên nhân và nguyên nhân đó thì ai chịu trách nhiệm, ai phải làm, làm trong bao lâu và kết quả thế nào phải rõ, không nói chung chung, không nói cho vui", ông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, có mấy việc cần phải làm trong thời gian tới. Một là hạ tầng phải phát triển. Vùng đang tập trung hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đang bắt tay vào xây dựng các cảng thủy nội địa đã có quy hoạch, cái này đơn giản vì không giải phóng mặt bằng nhiều. Thứ hai là phát huy được điều kiện sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí logistics và tăng cạnh tranh của hàng hóa.
"Thị trường Trung Quốc mở ra rất tốt. Vừa rồi Thủ tướng Lý Cường qua đây nói rất rõ là tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam. Năm nay dừa chúng ta mới mở ra thôi nhưng dự báo thu được 250 triệu USD, sang năm phấn đấu 1 tỉ USD, làm sống lại cây dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long đúng với giá trị của nó.
Thay mặt Chính phủ tôi đánh giá cao, hoan nghênh các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua có rất nhiều cố gắng, vươn lên từ khó khăn, từ thiếu thốn của mình để làm hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cho các sản vật, sản phẩm; phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Chúng ta thực sự có cảm xúc, có trách nhiệm, và tự hào về văn hóa, con người Đồng bằng sông Cửu Long, tự hào vùng đất rất đặc biệt, từ đó thổi hồn vào bằng trách nhiệm, bằng nhiệt tình, bằng khoa học công nghệ, bằng phát triển hạ tầng thì nó sẽ phát triển. Không đâu có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh như Đồng bằng sông Cửu Long", Thủ tướng chia sẻ.
Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao từ vụ đông xuân 2023 - 2024 |
Triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chất lượng cao - Chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo |