Số lượng thép nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. |
Thép nhập khẩu tăng mạnh
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, số lượng thép nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 6-2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước; trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn mức giá chào hàng trong nước khoảng 15-20 USD/tấn và thấp hơn các quốc gia khác từ 45- 108 USD/tấn.
Theo một đại diện của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc các sản phẩm thép nhập khẩu đổ bộ vào Việt Nam ngày càng tăng đã tác động lớn đến sản xuất trong nước. Dễ thấy nhất là thị phần bán hàng nội địa giảm trong nửa đầu năm nay.
Thị phần bán hàng nội địa của hai nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Ngược lại, thị phần của hàng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng từ 32% lên gần 46%.
Và nhập khẩu năm 2024 tiếp tục tăng mạnh. "Với lượng nhập khẩu chưa từng có trong lịch sử, sản xuất trong nước bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao của ngành thép đã xây dựng trong 10 năm qua", vị này nói.
Vào giữa tháng 3-2024, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã gửi đơn tới Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu.
Ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, một trong những nhà sản xuất trong nước - cho rằng việc đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá là bình thường, theo tiêu chuẩn của WTO để cơ quan quản lý phân định rõ ràng việc này.
"Việt Nam là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn. Chủ trương của Nhà nước là luôn ủng hộ, khuyến khích sản xuất công nghiệp thượng nguồn. Bởi vậy phải có động thái ủng hộ sản xuất trong nước nói chung, nhất là các ngành công nghiệp thượng nguồn", ông Long nói.
Cần có biện pháp phòng vệ hợp lý
Trước tình trạng nhập khẩu thép cuộn cán nóng ồ ạt, với giá rẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật, đồng thời có biện pháp phòng vệ hợp lý. Từ đó, ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.
Ông Phan Đăng Tuất - chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho rằng không chỉ ngành thép Việt Nam mà các ngành sản xuất khác, trong đó có công nghiệp phụ trợ, cũng bị ảnh hưởng bởi việc ào ạt nhập khẩu do thép được ví là "bánh mì của quá trình công nghiệp hóa" khi sản phẩm thép khởi đầu cho một loạt ngành công nghiệp.
Theo ông Tuất, doanh nghiệp phụ trợ vẫn đang nhập khẩu thép này từ Trung Quốc, bị cạnh tranh rất lớn về giá thành.
Nếu bảo vệ được ngành sản xuất thép nội địa, tức là sẽ bảo vệ cho cả ngành công nghiệp chế tạo, chủ động được ngành công nghiệp vật liệu mới cạnh tranh được với các nước trong sản xuất linh kiện để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó ông Tuất cho rằng việc bảo vệ ngành sản xuất thép cơ bản là thép HCR để các doanh nghiệp thép trong nước nâng cao năng lực, đầu tư sản xuất thép hợp kim - tạo nền tảng bền vững hơn cho ngành công nghiệp chế tạo phát triển và cạnh tranh với các nước là điều cần làm.
"Chúng ta cần bảo vệ nền sản xuất thép cơ bản để từ đó doanh nghiệp mới làm thép hợp kim, chứ nếu sản xuất thép cơ bản mà chết từ trứng nước làm sao mà làm được thép hợp kim. Giữ cho ngành sản xuất thép trong nước có nghĩa là giữ cho ngành thép hợp kim, giữ cho thị trường nội địa", ông Tuất khuyến cáo.
TS Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, qua theo dõi, tất cả các vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép thì chưa có vụ nào bị từ chối áp dụng biện pháp thương mại. Đến nay Trung tâm cũng chưa nhận được thông tin phản hồi từ các đối tác, thành viên khác của WTO về việc Việt Nam áp dụng chưa đúng hay chưa đảm bảo những yêu cầu của WTO.
Báo cáo của Trung tâm này cho hay, riêng tại Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam cho đến nay. Trong khi đó, các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ.
Vì thế, bà Trang cho rằng, cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng. Mặt khác, xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.