Cảnh báo sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng Biện pháp phòng chống cháy nổ trong mùa nắng nóng |
Ánh nắng mặt trời là nguồn năng lượng tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, đặc biệt là thúc đẩy sự sản sinh vitamin D cho con người. Tuy vậy, điều đáng chú ý là ánh nắng mặt trời cũng được cho là nguyên nhân gây ra gần 90% các triệu chứng tổn thương da, bởi vì tia UV có trong ánh nắng mặt trời tạo ra nhiều loại bức xạ với các bước sóng khác nhau.
Bức xạ UVC (100 đến 290 nm): là bức xạ có bước sóng ngắn nhất và gần như bị hấp thụ hoàn toàn bởi tầng ozon, do đó loại tia này không ảnh hưởng nhiều đến làn da.
Bức xạ UVB (290 đến 320 nm): đây là loại bức xạ có thể lọc được bằng kính, gây ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da (biểu bì) và loại tia này là nguyên nhân chính gây ra tình trạng da bị cháy nắng. UVB có cường độ cao nhất vào thời gian từ 10 giờ sáng đến 2h chiều và gay gắt hơn vào những tháng mùa hè.
Bức xạ UVA (320 đến 400 nm): khác với tia UVB, cường độ của tia UVA ổn định trong ngày và không có thời điểm đạt mức tối đa nhưng loại tia này có khả năng xuyên qua kính và không thể lọc được. Do đó, đây là nhân tố chính gây hại cho da và có khả năng thâm nhập sâu vào làn da hơn cả tia UVB.
Cháy nắng
Cháy nắng là tình trạng phổ biến xuất hiện khi da bị tổn thương bởi tác động của tia UVB. Một số dấu hiệu thường thấy là da bị đỏ, đau và bị rộp sau một thời gian đi nắng. Các triệu chứng này có thể không xuất hiện ngay lập tức mà phải mất khoảng 5 giờ sau đó. Cháy nắng có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng kem chống nắng mỗi ngày và hạn chế phơi nắng khi các tia UV có cường độ mạnh nhất (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều).
Người lao động nên thoa kem chống nắng bảo vệ trên vùng da tiếp xúc 20 phút trước khi làm việc dưới ánh nắng mặt trời, sau đó thoa lại trong thời gian ở dưới ánh nắng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất (thường 2 giờ/lần).
Da dày sừng, thô sạm
Đây là hiện tượng xuất hiện các mảng da khô, có vảy, bị gây ra bởi những thương tổn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong nhiều năm liền. Chúng có thể có màu hồng, đỏ hay nâu và rộng từ 0.5 đến 3cm, thường thấy trên da mặt (đặc biệt là trên môi, mũi và trán), cổ, cẳng tay, vùng da đầu (phổ biến ở nam giới) và vùng da dưới đầu gối (phổ biến ở phụ nữ).
Lão hóa sớm
Tiếp xúc nhiều lần với bức xạ tia cực tím mặt trời sẽ gây ra tổn thương da tương tự như quá trình lão hóa. Các mảng da trở nên mỏng và kém đàn hồi, xuất hiện các vết nám, tàn nhang do ánh nắng mặt trời và nếp nhăn. Những thay đổi này có thể mất nhiều năm tiếp xúc nhưng khi chúng xảy ra, thiệt hại là không thể phục hồi.
Phân hủy sợi collagen
Bức xạ tia cực tím có thể khiến các cấu trúc collagen bị phá vỡ với tốc độ cao hơn quá trình lão hóa da bình thường. Cơ chế giúp tia UV thực hiện được điều này là thâm nhập vào lớp giữa của da (hạ bì), gây ra sự tích tụ bất thường của elastin, làm phá vỡ collagen. Khi kéo dài thời gian tiếp xúc, quá trình này bị đẩy nhanh, dẫn đến hình thành nếp nhăn và làn da mau chóng bị chảy xệ.
Tia UV cũng là một yếu tố kích thích hình thành các gốc tự do. Bởi vì các điện tử được tìm thấy theo từng cặp, phân tử trong gốc tự do phải tìm kiếm điện tử bị thiếu từ các phân tử khác, gây ra một chuỗi phản ứng làm hỏng tế bào ở cấp độ phân tử. Các gốc tự do làm tăng số lượng các enzym phân hủy collagen, gián tiếp thay đổi vật chất di truyền của tế bào theo hướng ác tính.
Gây ung thư
Bức xạ UV là làm tăng số lượng nốt ruồi trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến sự phát triển của các tổn thương tiền ác tính được gọi là dày sừng actinic. Dày sừng hoạt tính được coi là tiền ung thư vì cứ 100 người thì có một người phát triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy, thường gặp trên mặt, tai và mu bàn tay.
Nếu tiếp tục tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong vài năm, da bị tổn thương sẽ có nguy cơ phát triển một trong các dạng ung thư da, gồm ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai, melanoma.
Những người mắc các bệnh di truyền khiến họ nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn.
Để phòng tránh ung thư da, người dân nên tránh tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu (đặc biệt là từ 10-15h). Sử dụng kem chống nắng, mũ, áo khi đi ra ngoài trời. Hạn chế tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ. Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư.
Chuyên gia chỉ cách phòng tránh say nắng trong mùa hè |
Làm gì để phòng các bệnh về da trong mùa nắng nóng? |
Nắng nóng, bổ sung nước như thế nào cho đúng cách? |