Tránh thất thoát nguồn lực đất đai Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn gây cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia |
![]() |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để báo cáo UBTVQH trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật bám sát yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ lựa chọn trình Quốc hội một số quy định đang gây vướng mắc, cản trở cần sửa đổi, bổ sung ngay; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và nội dung sửa đổi phải rõ ràng, độc lập nhất định để có thể kế thừa khi sửa toàn diện các luật sau này.
Phản hồi ý kiến của các đại biểu liên quan đến việc sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại tại Điều 75 của Luật Đầu tư công hay còn gọi là Điều 23 của Luật Nhà ở, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở đã phát sinh những vướng mắc trong một thời gian rất dài từ năm 2014 và theo đó đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020.
Nhưng thực chất vẫn chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại, tạo ra những phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá của nhà ở có phần tăng lên.
Hơn nữa, các quy định nêu trên thì không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội |
Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội thì hiện nay đang còn rất nhiều các dự án thương mại kiểu như thế này đang bị ách tắc, trong đó thành phố Hồ Chí Minh 150 dự án, Hà Nội còn 102 dự án, Bình Dương có khoảng 40 dự án.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư để cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, gồm cả 3 loại đất, đó là đất ở; đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu.
Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách để chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ đã quy định loại trừ tất cả các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định, bao gồm cả thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu theo quy định của Luật Đất đai hay bán tài sản công theo Luật Tài sản công. Bổ sung quy định khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định phải xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng phải theo sát giá thị trường và theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi phương án sửa đổi của Chính phủ để lấy ý kiến của các địa phương. Tính đến 31/12 vừa qua đã có 21/24 địa phương đồng ý với phương án sửa đổi của Chính phủ.
Một số địa phương còn đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn đối với những quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ những vướng mắc đối với dự án nhận chuyển nhượng, sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đây là vấn đề rất lớn, rất khó, nếu không xử lý, giải quyết thì sẽ ách tắc và không khơi thông được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, nếu không chặt chẽ, không thận trọng thì có thể sẽ gây hậu quả như các đại biểu đã nêu.
Nội dung này cũng liên quan đến rất nhiều các luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư cần được nghiên cứu và đánh giá thật cẩn thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Qua lấy ý kiến đại biểu, cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, phương án như Chính phủ trình với việc rà soát lại chặt chẽ quy định chuyển đổi sử dụng đất.
Phương án 2 là theo đề xuất của Uỷ ban Pháp luật, đó là đề nghị xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức xử lý đối với loại đất khác không phải đất ở để trình kỳ họp thứ 3 tháng 5/2022 đối với những người đang có quyền sử dụng đất phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.