Không giống như ngày nay, khi mà ngành thời trang phát triển đa đạng, mỗi người có thể lựa chọn cho mình một phong cách ăn mặc khác nhau, vào thời bao cấp, thời trang là một khái niệm xa xỉ ngay cả với những người có tiền. Vì không có nhiều lựa chọn, các tay chơi những năm 70-80 đều thích đeo cùng một loại đồng hồ, mặc chung một loại quần áo. Đã có những món đồ trở thành “huyền thoại”, biểu tượng đặc trưng cho cả một giai đoạn lịch sử của xã hội.
Đồng hồ Seiko 5 chém cạnh
Không phải tự nhiên mà đồng hồ Seiko lại đi vào câu đồng dao “Một yêu anh có Seiko, hai yêu anh có Peugeot cá vàng... ”. Vào thời bao cấp, đồng hồ Seiko là món đồ thời trang vô cùng được ưa chuộng, giống như điện thoại Iphone đời mới ngày nay vậy. Nó còn được coi là vũ khí tán gái hiệu quả của các nam thanh niên.
Đồng hồ Seiko 5, biểu tượng của sự khá giả một thời. Nguồn: xwatch
Hiện tại dòng sản phẩm đồng hồ Seiko 5 của hãng vẫn được bán rất chạy. Tuy nhiên, kiểu dáng mặt vuông cổ điển đã được thay thế bằng mặt tròn hiện đại. Giá của sản phẩm dao động từ 3-7 triệu đồng tùy theo phiên bản.
Đồng hồ SK mặt lửa
Cùng nổi danh với Seiko 5 thời bao cấp cũng là một chiếc đồng hồ khác có xuất xứ Nhật Bản, chiếc Orient SK hay được gọi với cái tên dân dã là SK mặt lửa. Thực chất Orient SK có rất nhiều màu khác nhau nhưng người dân Việt Nam yêu thích phiên bản màu đỏ hơn cả nên cái tên SK mặt lửa được gắn liền với model này.
Orient SK 2019 có kiểu dáng gần như không đổi so với phiên bản cũ. Nguồn: donghohaitrieu
Nếu như Seiko 5 có kiểu dáng lịch sự, sang trọng thì thiết kế của SK mặt lửa lại rất mạnh mẽ, phá cách. Chính vì vậy, chiếc SK mặt lửa là lựa chọn số 1 của các thanh niên cá tính và giá cũng đắt hơn Seiko 5.
Để đáp lại tình yêu của người hâm mộ, vài năm trước hãng sản xuất Orient quyết định hồi sinh lại dòng sản phẩm Orient SK với hình dáng gần như nguyên bản so với ban đầu. Một chiếc Orient SK phiên bản 2019 đang có giá gần 7 triệu tại các đại lý đồng hồ.
SK mặt lửa đọ dáng với Seiko 5
Mũ cối Trung Quốc
Có thể nói phong cách ăn mặc của nhân dân ta thời bao cấp chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quân phục nhà binh, trong đó ví dụ tiêu biểu nhất là mũ cối.
Mũ cối được yêu thích bởi rất phù hợp với khí hậu Việt Nam, khi đội lên thoáng mát, không ra mồ hôi, kèm theo độ bền “không thể phá hủy”, có thể dùng làm vũ khí nếu cần. Đặc biệt loại mũ cối xuất xứ Trung Quốc (loại có lòng mũ màu vàng) thì có độ cứng và bền vượt trội. Giá của loại mũ này vào lúc đỉnh điểm có thể lên tới gần 2 chỉ vàng.
Mũ cối dần biến mất khi luật giao thông bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm
Từ những năm 2000 về sau, số lượng người dùng mũ cối dần ít đi, chỉ còn phổ biến trong giới tài xế xe ôm. Tới năm 2007, khi luật về mũ bảo hiểm được áp dụng, khách hàng sử dụng lại càng thu hẹp.
Ngày nay, mũ cối hầu như chỉ bán cho khách du lịch khi tới Việt Nam. Giá một chiếc mũ cối sản xuất trong nước khoảng 50.000-100.000 đồng/chiếc. Loại mũ lòng vàng nhập từ Trung Quốc thì có giá khoảng 400.000 đồng.
Áo nato, áo pilot vải dù chần bông
Ngoài mũ cối, những loại quần áo phong cách quân sự cũng rất được ưa chuộng và chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện sở hữu. Dĩ nhiên, chúng đều có chất lượng vượt trội.
Áo bay của Liên Xô thì mỏng, nhẹ và chắc chắn. Áo khoác Nato thiết kế đẹp, thời trang. Trong khi áo khoác phi công Mỹ bằng vải dù thì bền, không thấm nước.
Một dân chơi Hà Nội xưa với áo khoác Nato
Ngày nay, chỉ còn loại áo phong cách phi công là vẫn còn được bán trên thị trường. Giá loại sản xuất trong nước dao động từ 600.000 đồng-1 triệu đồng. Loại nhập khẩu từ Mỹ có giá khoảng 4-5 triệu đồng.
Áo pilot nhập Mỹ vẫn chưa bao giờ hết hot
Linh Hương/Theo VietnamNet