Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh do Bà Nguyễn Thu Trà – Nhân viên chi nhánh Hà Nội đại diện Tổng Giám đốc. Công ty có địa chỉ trụ sở chính: 181 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Công ty được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược: số 90/ĐKKDD-BYT do Bộ Y tế cấp ngày 29/6/2019.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh bị xử phạt do đã báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với 09 hồ sơ kê khai giá thuốc bao gồm: thuốc Klavunamox-Bid 1000mg (VN-17314-13); Meroright 1g (VN-20941-18); Alputine Capsule (VN-15485-12); NECPIME (VN-21080-18); Axcel Dicyclomine-S Syrup (VN-10863-10); Axcel eviline tablet (VN-21045-18); Axcel Cetirizine Syrup 5 mg/5ml (VN-20304-17); Axcel Loratadine Syrup; 2 Axcel Cefaclor-125) quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 66 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Quyết định xử phạt Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh |
Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 66, Khoản 5 Điều 4 của Nghị định117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạmhành chính trong lĩnh vực y tế và Điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạmhành chính năm 2012 Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh bị xử phạt chính với số tiền 100.000.000 đồng.
Tình tiết tăng nặng: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm hành chính nhiều lần (có 09 hồ sơ kê khai giá thuốc có cùng hành vi vi phạm báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh phải nộp số tiền phạt 100.000.000 đồng vào ngân sách nhà nước trong vòng 10 ngày.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Về YTECO
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM - YTECO được thành lập từ năm 1984 (tiền thân là Công ty Xuất Nhập Khẩu Y tế), được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần vào tháng 8/2001.
Loại hình dịch vụ của YTECO khá đa dạng: Kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại dược phẩm, vac-xin, sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm, huyết thanh phòng bệnh, trang thiết bị dụng cụ y tế, nguyên phụ liệu, máy móc dùng trong sản xuất dược phẩm; cho thuê kho bãi, văn phòng, mặt bằng; khai thuê hải quan; giao nhận, vận chuyển hàng hóa; dịch vụ tài chính doanh nghiệp…..
Doanh thu tăng, lợi nhuận sụt giảm
Theo công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh (UPCoM: YTC) với doanh thu thuần đạt 566 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019. Giá vốn bán hàng tăng mạnh 32% lên mức 517 tỷ đồng bào mòn lợi nhuận gộp về mức gần 49 tỷ đồng, giảm 46%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 32 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm ngoái; chi phí tài chính tăng 12%, đạt 28 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng từ 35 tỷ lên 37 tỷ; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 45 tỷ xuống 31 tỷ đồng;
Khoản thu nhập khác đạt hơn 4 tỷ đồng, so với 435 triệu đồng trong năm 2019. Chốt quý, YTC báo lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ 7 tỷ đồng.
Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính kiểm toán |
Kiểm toán nghi ngờ về về khả năng hoạt động liên tục của YTECO
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán do Công ty TNHH Kiểm toán A&C thực hiện. Theo cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, năm 2020, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh có sự thay đổi trong Ban điều hành và các thành viên quản lý chủ chốt.
Do quy trình theo dõi, quản lý công nợ chưa chặt chẽ và hạn chế về thời gian nên Ban điều hành chưa thể kiểm tra, đối chiếu để làm rõ một số khoản công nợ có giá trị theo sổ sách, bao gồm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, phải thu ngắn hạn khác, người mua trả tiền trước ngắn hạn, phải trả ngắn hạn khác...
Với các tài liệu và thông tin hiện có của Công ty, kiểm toán cũng không thể kiểm tra được các khoản công nợ trên bằng các thủ tục kiểm toán khác.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh nội dung Thanh tra TP. HCM đang đề nghị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh nộp thuế nhà thầu cho các hợp động nhập khẩu ủy thác có bao gồm dịch vụ lắp đặt.
Ngoài ra, Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, trong năm 2020 lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2020 hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra tại ngày này, các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn (42 tỷ đồng). Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tính tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 995 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả của YTC hơn 982 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn, chiếm đến 980 tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ cuối năm 2020, cổ phiếu YTC hoàn toàn không có thanh khoản nên giá nằm im tại mức 89,400 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay khi công bố BCTC năm 2020 với các ý kiến của kiểm toán, giá cổ phiếu YTC lập tức giảm sàn trong phiên 21/05/2021, rơi thẳng 15% so với phiên trước, với khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 200 cp. |