Người dân tỉnh Sơn La đã chốt bán hơn 200 đơn hàng với hàng tấn mận sau 30 phút live stream. Ảnh: Hồng Hương |
Theo Nông thôn Việt đưa tin, thời gian gần đây, nhờ ứng dụng các công cụ bán hàng từ mạng xã hội đã khiến nhiều nhà vườn đạt doanh thu “khủng” với hàng trăm đơn hàng chỉ trong thời gian ngắn, điển hình là các đặc sản như sầu riêng, vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La...
Nhờ livestream, người dân tại một huyện của tỉnh Sơn La đã chốt hơn 200 đơn hàng sau 30 phút. Cụ thể, chỉ sau 30 phút quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội tại vườn mận hậu chín rộ ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Hợp tác xã Noọng Piêu đã chốt được hơn 200 đơn hàng, bán được hơn 1 tấn mận hậu.
Tương tự, nhờ bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, Nguyễn Thị Tường Thảo - một cô gái ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đã mang về doanh thu 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Nhờ ứng dụng phương pháp bán lẻ trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, sau chưa đầy 2 tháng, Nguyễn Thị Tường Thảo, nhân viên đóng rau tại Hợp tác xã (HTX) Vườn Nhà Đà Lạt đã xây dựng video với trên 4 triệu lượt xem.
Lần đầu tiên mở tính năng livestream bán hàng, chỉ sau 15 phút, cô gái trẻ đã chốt được gần 1.000 đơn hàng. Chưa hết, video giới thiệu sản phẩm bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem trở thành 1 "hiện tượng mạng". Có ngày cô nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này.
Được biết, sau hơn 4 tháng phát triển hình thức bán hàng qua video trên mạng xã hội, doanh thu Thảo mang về cho HTX Vườn Nhà Đà Lạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Các sản phẩm cô gái trẻ giới thiệu qua video là các loại rau quả độc lạ như: ớt trái cây Sweet Palermo, xuất xứ từ châu Âu, bí sợi mì có nguồn gốc Nhật Bản; cà rốt cầu vồng,... thu hút hàng triệu lượt theo dõi và tương tác. Nhờ đó, Nguyễn Thị Tường Thảo trở thành 1 trong những hiện tượng bán nông sản trên mạng trong thời gian qua.
Cũng là một “ngôi sao” bán hàng online hiệu quả, mới đây, chỉ trong chưa đầy 30 phút livestream, anh Đặng Mạnh Khương – một tiktoker (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã bán được 3 tấn sầu riêng Ri6 tại vườn.
Anh Khương cho hay, triệu lời quảng cáo hay không bằng 1 giây hình ảnh thực tế. Việc giới thiệu, tư vấn thiệt tình dễ thuyết phục khách hàng, nhưng quan trọng hơn nữa là khi giao đến tay khách, chất lượng sản phẩm phải đúng như lời giới thiệu, mới giữ được khách lâu dài.
Ngoài TikTok, anh Khương còn livestream trên Facebook giới thiệu vườn sầu riêng của các hộ trồng, với quy trình kỹ thuật rõ ràng, nguồn gốc minh bạch, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh đã bán được cả trăm tấn sầu riêng, giao đi cả nước. Theo anh, để thu hút đông người theo dõi, anh thường chọn thời điểm khách rảnh rỗi (giờ vàng của TikTok, Facebook) để livestream và làm nội dung càng chân thực càng tốt.
Thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn bán hàng bằng hình thức livetream tại diễn đàn chuyển đổi số. Ảnh: VGP |
Bên cạnh quả mận, ớt, sầu riêng, nông dân Bắc Giang cũng đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều thông qua việc livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Những ngày vải chính vụ, lướt mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp các clip giới thiệu về vải thiều và nhiều loại đặc sản của Bắc Giang. Đặc biệt, nhiều hợp tác xã và bà con nông dân đã thường xuyên tổ chức livestream (phát trực tiếp) tại vườn và chốt đơn hàng. Điều này đã mang đến không khí thu hoạch sôi động ở "thủ phủ" vải thiều, khi người xem có thể trải nghiệm quy trình sản xuất, thu hoạch và đóng gói.
Với cách nói chuyện gần gũi, dí dỏm, nhiều clip đã thu hút hàng chục nghìn người xem, nhờ vậy việc tiêu thụ cũng thuận lợi.
Hiện mỗi ngày các hợp tác xã và nhiều hộ dân đã tiêu thụ hàng trăm hộp loại từ 5 - 10 kg qua kênh trực tuyến. Trên bao bì sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể xem nhật ký điện tử về quá trình chăm sóc, thu hoạch vải thiều bằng cách quét mã vạch.
"Sáng Chủ nhật vừa qua, trong vòng 4 tiếng đồng hồ, các TikToker đã livestream để bán hàng trên mạng. Sau 4 tiếng đã chốt đơn hàng được gần 50 tấn vải thiều. Ngoài ra cùng với vải thiều, còn những sản phẩm khác như thịt trâu gác bếp, mì Chũ và các sản phẩm OCOP của Bắc Giang bán với sản lượng lớn, có những sản phẩm còn hết hàng ngay tại buổi livestream đó", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết.
Nhận định về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Đỗ Văn Việt, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết Live Commerce (thương mại trực tiếp), hình thức bán hàng, quảng bá qua livestream sẽ tiếp tục bùng nổ. Đặc biệt, sự kết hợp giữa Live Commerce và Entertainment (giải trí) được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ yêu thích.
Để tạo ra các trào lưu trên mạng xã hội cho nông sản Việt Nam, cần có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường trực tuyến, nắm bắt tâm lý người trẻ; nhanh chóng bắt kịp các trào lưu sáng tạo, đổi mới trong sản phẩm và chiến lược marketing; sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị chuyên môn và cơ quan chức năng.
Tóm lại, khi người tiêu dùng trẻ đang “đu trend” - chạy theo các trào lưu mạng xã hội, nông sản Việt cần thích ứng tốt với “trend” để vừa được giá, vừa được cả đầu ra.