Giá căn hộ chung cư được dự đoán hạ nhiệt khi tăng nguồn cung nhà ở xã hội Vì sao doanh nghiệp chưa “mặn mà” với gói cho vay 120.000 tỷ đồng Những vướng mắc khi triển khai nhà ở xã hội |
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình. |
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, hiện, các doanh nghiệp xây dựng đang không có công ăn, việc làm. “Doanh nghiệp chúng tôi hơn 1000 người không có công ăn việc làm, máy móc kéo vào, kéo ra lãng phí vô cùng.
Tại tọa đàm gỡ vướng phát triển nhà ở xã hội do báo Tiền Phong tổ chức ngày 17/4, Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Nhà ở xã hội về luật không có gì khó khăn, thậm chí rất thoáng.
Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2013 quy định diện tích đất, khu vực xây dựng nhà ở xã hội. Hằng năm phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất và tăng 50% mật độ xây dựng. “Rõ ràng, Luật Nhà ở rất ưu tiên nhà ở xã hội”, ông Đường nói và dẫn chứng, báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động, hiện có 52.000 người có nhu cầu mua nhà nhưng chưa mua được nhà.
Cũng theo quy định của Luật Nhà ở, hiện có 11 đối tượng mua nhà như: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn…
Ông Đường khẳng định, mọi quy định đều quy định trong luật nhưng muốn làm được quỹ đất việc đầu tiên UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, riêng TP Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu chủ đầu tư trong nội thành.
Ông Đường khẳng định “Nếu không có đất, không thể làm nhà ở xã hội”. Ông Đường cho biết, hiện doanh nghiệp có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). “Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích kêu gọi nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội”.
Dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở ban ngành, lấy ý kiến Sở TN&MT xem xét đất ở đây có làm nhà ở xã hội hay không? Hiện 1 cái được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn 1 dự án UBND TP Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư.
Ông Đường đưa ra nhận định, từ giờ đến năm 2025 có thể sẽ không có một dự án nhà ở xã hội nào được triển khai trên địa bàn Hà Nội (?)
Ông Đường cho biết thêm, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật đất đai mới đây có nhiều thông thoáng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư nhà xã hội gặp vướng mắc nhất ở chấp thuận chủ trương đầu tư. |
Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. “Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người ta đã xếp hàng mua rồi”, ông Đường nói.
Ông Đường cho biết thêm, hiện, doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Quốc hội làm sao để UBND Hà Nội phải công bố quỹ đất làm nhà ở xã hội. “Làm nhà ở xã hội phải phù hợp. Chứ không thể ở Hà Nội làm ở Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở”, ông Đường nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
Hiện, các doanh nghiệp xây dựng đang không có công ăn, việc làm. “Doanh nghiệp chúng tôi hơn 1000 người không có công ăn việc làm, máy móc kéo vào, kéo ra lãng phí vô cùng. Cách đây 2 năm, doanh nghiệp tốp lớn mạnh nhưng hiện nay trở thành nợ xấu vì không có công ăn, việc làm”, ông Đường cho hay
Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho rằng, trước đây ông làm dự án tại Hoàng Quốc Việt chỉ trong vòng 2 tháng ra được giấy phép nhưng hiện 2 năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư. Tất cả việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không có việc làm. Hiện, doanh nghiệp chúng tôi phải bán các toà nhà để trả lương nhân viên nhưng mới chỉ đáp ứng được 30- 40%.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) nói chủ đầu tư nhà xã hội gặp vướng mắc nhất ở chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo cơ chế, doanh nghiệp được ưu đãi tăng 1,5 lần mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn tới tăng quy mô dân số, lại không phù hợp với quy hoạch phân khu. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Do đó, phần lớn doanh nghiệp có sẵn quỹ đất làm nhà xã hội không được cấp chủ trương đầu tư.
Trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thực tế Hà Nội dành nhiều quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, song việc triển khai còn hạn chế, một phần vì thành phố còn nhiều việc phải làm. Lãnh đạo bộ nói, nếu doanh nghiệp đang có quỹ đất, quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch thì được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận là nhà đầu tư dự án.
Ông Sinh cho biết Bộ Xây dựng sẽ làm việc với UBND Hà Nội để sớm giải quyết những thủ tục còn ách tắc liên quan đến nhà ở xã hội.