Ngân hàng Nhà nước bơm gần 21.700 tỷ đồng ra thị trường |
Đây là đợt bơm mạnh tiền ra thị trường lớn nhất kể từ đầu tháng 10 đến nay. Theo dữ liệu từ NHNN, 15 thành viên đã nhận gần 15.000 tỉ đồng, kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 5,5%/năm; 11 thành viên nhận hơn 6,679 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5%/năm.
Cũng trong phiên giao dịch, NHNN dừng phát hành tín phiếu mới và không hút về đồng tiền nào.
Ngày có lượng tiền được bơm ra cao đứng thứ 2 là 5/10 với gần 20.000 tỉ đồng, cho 13 thành viên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6,5%/năm. Tổng cộng trong 7 ngày giao dịch, lượng tiền bơm ra thị trường lên 63.370 tỉ đồng. Trong đó, lãi suất cao nhất trên thị trường mở là 6,9%/năm, kế tiếp 6,6%, 6,5%, 6,3%.
Tính trong 6 phiên giao dịch qua, NHNN đã bơm 60 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng, trong khi không hút về đồng nào.
Như vậy, trái với xu hướng hút ròng mạnh tiền cả trăm nghìn tỷ đồng trong nửa cuối tháng 9/2022 để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, NHNN đang bơm mạnh tiền ra để giải quyết căng thẳng thanh khoản trên hệ thống ngân hàng.
Lạm phát Việt Nam hiện thấp so với thế giới, ở mức 2,89% trong tháng 9 so với cùng kỳ, so với mức 9,1% của eurozone hay 8,3% tại Mỹ.
Tỷ giá đồng USD/VND khá ổn định cho dù đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng tăng trở lại. Sáng 11/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.451 VND, tăng 19 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-3%, mức giá trần USD được phép mua bán ở mức 24.154 VND.
Mặc dù vậy, USD trên hệ thống ngân hàng không có nhiều biến động. Vietcombank trong vài ngày gần đây niêm yết giá USD mua vào bán ra ở mức: 23.740 đồng và 24.020 đồng.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 60.000 tỷ trong vài phiên qua |
Diễn biến bơm tiền hỗ trợ thanh khoản như trên không phải mới xuất hiện. Trong tuần trước (4-7/10) thanh khoản trên hệ thống ngân hàng gặp nhiều áp lực trong đầu tuần, khi các yếu tố về mặt trung hạn (chênh lệch âm kéo dài giữa huy động – tín dụng trong hệ thống tạo áp lực lên khả năng sử dụng nguồn huy động vốn của ngân hàng) và ngắn hạn (một số thành viên lớn trên thị trường không tham gia giao dịch trong 2 ngày đầu tuần) kết hợp đồng thời.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần bật lên vượt 10% - mức cao nhất kể từ năm 2012. Và gần như ngay lập tức, NHNN đã hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 35.000 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tuần.
NHNN tăng tốc bơm tiền là như vậy. Song, thanh khoản hệ thống vẫn đang gặp khó. Biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng phiên ngày hôm qua vẫn tăng 0,3 – 1,02 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Các mức lãi suất đang dừng tại: qua đêm 7,56%; 1 tuần 7,74%; 2 tuần 7,98% và 1 tháng 8,06%.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong tuần này, thanh khoản hệ thống sẽ được hỗ trợ bởi 45.000 tín phiếu đáo hạn, tuy nhiên sự kiện về ngân hàng SCB vừa qua sẽ phần nào tác động tới thanh khoản nói chung và do vậy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có thể hạ nhiệt.
Mặt khác, SSI cũng cho biết, vừa qua, một số ngân hàng tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được NHNN cấp bổ sung thêm hạn mức tín dụng với tổng giá trị ước tính hơn 80.000 tỷ đồng. Như vậy, khi tính đến dư nợ tín dụng mới tăng thêm này, tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 14% so với cuối 2021, tương đương với hạn mức NHNN đưa ra đầu năm.
Thế nhưng, việc điều chỉnh hạn mức cũng đồng thời tạo áp lực lên nhu cầu vốn của các ngân hàng, từ đó làm tăng mặt bằng lãi suất huy động. Tính đến hiện tại, tín dụng đã tăng 10,96% so với cuối năm ngoài và sẽ có khoảng 317.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ trong giai đoạn còn lại của năm.
“Áp lực lên lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm, khi chênh lệch huy động vốn - tín dụng hiện ở mức âm hơn 200.000 tỷ đồng”, SSI nhận định.
Nới 'room' tín dụng tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp |
Các Ngân hàng được nới 'room' tín dụng |
Thêm 4 ngân hàng được tăng room tín dụng, mức cao nhất gần 45.000 tỷ đồng |