Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng |
Chiều ngày 8/6/2022, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về tốc độ luật hóa sau khi triển khai Nghị quyết 42 kéo dài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm các nước đánh giá những quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu; đồng thời tham mưu đề xuất cách thức luật hóa như thế nào để ban hành luật riêng hay quy định tại các luật hoặc quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông dân tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ, thời gian cấp tín dụng; tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân ở các địa phương, qua đó nắm bắt thực tiễn,có sự tham gia của các ngân hàng trên địa bàn để xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết ra hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.
Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương |
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tranh luận với phần trả lời của Thống đốc, đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ băn khoăn khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu? Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra Nghị quyết 42 còn có những điểm vướng, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu. Do đó, bản thân Nghị quyết còn có những điểm vướng mắc thì việc đề nghị áp dụng toàn bộ Nghị quyết cần được làm rõ thêm, đại biểu nhấn mạnh.
Tham gia tranh luận sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi về quản lý thị trường vàng, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đánh giá cao việc điều hành thị trường vàng, quản lý các hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đặt vấn đề, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy chỉ rõ, cùng là vàng miếng nhưng không phải là thương hiệu SJC thì chênh với giá SJC đến 15 triệu/lượng. Nêu rõ, xét về giá thành hay xét về giá thế giới thì chênh lệch như thế là quá lớn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải đáp cụ thể hơn về nội dung này?
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Trả lời tranh luận của một số đại biểu băn khoăn về việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 có tác dụng rất rõ rệt trong xử lý nợ xấu, sau khi có Nghị quyết, nợ xấu đã cơ bản được xử lý hiệu quả. Dù trong Nghị quyết có vướng mắc khó khăn, nhưng những tồn tại hạn chế này chủ yếu xuất phát từ việc tổ chức thực hiện.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu không kéo dài Nghị quyết này, một số quy định, chính sách trong đó sẽ không thể được đưa vào thực hiện trong thực tế, gây khó khăn cho xử lý nợ xấu, đặc biệt khi ngân hàng đối mặt với tác động của dịch bệnh COVID-19. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành rà soát, xem xét nghiên cứu việc tiến hành luật hóa việc xử lý nợ xấu.
Sẽ rà soát, đánh giá kỹ quy định quản lý thị trường vàng
Về vấn đề giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, SJC là thương hiệu đc người dân ưa chuộng từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành.
Trước đây thị trường vàng có nhiều tồn tại, hạn chế, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.
Toàn cảnh nghị trường chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sáng 9/6/2022 |
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong Nghị định 24 này có chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại thời điểm đó, SJC là thương hiệu chiếm trên 90% thị trường, nên qua phân tích đánh giá chi phí, lợi ích, Ngân hàng Nhà nước quyết định sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao. Các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Tăng trưởng tín dụng phải gắn với điều hành kinh tế vĩ mô
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thế giới đánh giá nước ta rất phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro. Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, khi thành lập tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn được tăng trưởng tín dụng nhiều.
Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước phải đứng trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng, chính sách tiền tệ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.