Theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023 hoạt động tín dụng chính sách tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh cho thấy, các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành các mục tiêu được giao.
Được biết, đối với công tác nguồn vốn, tỏng 6 tháng đầu năm, có 13/13 đơn vị cấp huyện đã nhận nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang, trong đó một số đơn vị có số vốn ngân sách địa phương trong năm chuyển sang cao như Thanh Thủy, Thanh Ba, Việt Trì, Hạ Hòa (từ 500 triệu đồng/ đơn vị trở lên).
![]() |
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu 6 tháng đầu năm 2023. |
Về công tác sử dụng nguồn vốn, đến 30/6/2023, bình quân dư nợ một huyện đạt 437.722 triệu đồng, tăng 27.110 triệu đồng/đơn vị so với năm 2022. Toàn tỉnh có 02 đơn vị trên 600 tỷ nợ (Yên Lập, Cẩm Khê), có 03 đơn vị có dư nợ trên 500 tỷ đồng (Thanh Sơn, Tân Sơn và Hạ Hòa), có 02 đơn vị có dư nợ trên 400 tỷ đồng (Đoan Hùng và Thanh Ba), có 04 đơn vị có dư nợ trên 300 tỷ đồng (Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao và Phù Ninh), có 01 đơn vị dư nợ trên 200 tỷ đồng (Thị xã) và 01 đơn vị dư nợ trên 100 tỷ đồng (Việt Trì).
Bình quân dư nợ tín dụng chính sách một xã đạt 25.291 triệu đồng, tăng 1.567 triệu đồng/ xã so với năm 2022; toàn tỉnh có 02 xã có dư nợ trên 70 tỷ đồng (Hanh Cù – Thanh Ba, Phùng Nguyên – Lâm Thao), 04 xã có dư nợ trên 60 tỷ đồng (Tu Vũ – Thanh Thủy, Yên Kỳ - Hạ Hòa, Tạ Xá – Cẩm Khê và Hợp Nhất – Đoan Hùng
Đối với công tác kế toán ngân quỹ, các đơn vị tập trung làm báo cáo quyết toán niên độ 2022, quyết toán tiền lương đến cán bộ và người lao động, tạm giao phí quản lý năm 2023 đến các phòng giao dịch. Phối hợp bộ phận tín dụng các đơn vị thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng; đồng thời, thực hiện tốt một số công việc trọng tâm khác như: Quyết toán hỗ trợ lãi suất năm 2022 và quý I/2023.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác hạch toán kế toán đảm bảo được phản ánh đầy đủ kịp thời, chính xác; Chứng từ, sổ sách, báo cáo kế toán được thiết lập đầy đủ, sắp xếp và lưu trữ thuận tiện; Đảm bảo an toàn tiền mặt trong giao dịch với khách hàng; đảm bảo an toàn kho, vận chuyển tiền mặt hàng ngày tại các điểm giao dịch xã và quá trình điều chuyển tiền giữa các ngân hàng; Công tác thu, chi, kiểm đếm, phân loại tiền mặt được thực hiện đúng quy định; Chấp hành chế độ an toàn kho quỹ, quy định về phòng cháy, chữa cháy, chế độ trực gác bảo vệ tại đơn vị.
Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị đã quan tâm thực hiện tốt các công tác an sinh, từ thiện nhân đạo, như: Tiếp tục thực hiện chương trình “Cặp lá yêu thương”; Tích cực hưởng ứng các hoạt động ủng hộ từ thiện, nhân đạo, quỹ tình nghĩa, Tết “Vì người nghèo” với tổng số tiền ủng hộ trên 238 triệu đồng.
![]() |
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ tích cực hưởng ứng các hoạt động ủng hộ từ thiện, nhân đạo, quỹ tình nghĩa. |
Nhìn chung, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm có tổng nguồn vốn tăng trưởng 6,62% và tổng dư nợ các chương trình tín dụng tăng trưởng 6,6% so với năm 2022.
Thông qua các nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho trên 17.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; hỗ trợ trên 1.400 người lao động được tạo việc làm, duy trì việc làm; có trên 16.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, xây mới; có 185 đối tượng chính sách vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; hỗ trợ cho 425 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn cho HSSV để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; có 45 người lao động được vay vốn để trang trải chi phí đi làm việc theo hợp đồng lao động tại nước ngoài…
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ các tháng cuối của năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ tích cực chỉ đạo và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép.
Cần tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tập trung làm tốt công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; chú trong việc kiểm tra đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng vốn vay.
Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu đã thông báo; chủ động, linh hoạt trong việc xử lý nợ đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ và cho vay quay vòng kịp thời, không để tồn đọng vốn. Đồng thời, thường xuyên, chủ động phối hợp các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở tỉnh để góp phần đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch tài chính năm 2023.