Trên địa bàn tỉnh, cây sở đã có từ những năm 1960, đây là một trong 5 loại cây trồng chủ lực phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc. Thời kỳ này, cây sở ít có giá trị do người dân chưa khử được mùi khét và một số độc tố trong dầu sở nên bị chặt phá nhiều lần.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã có công nghệ chế biến tạo ra nhiều loại dầu từ quả sở, loại cao cấp lên đến 2 triệu đồng/lít nên đã đẩy mạnh thu mua nguyên liệu thô từ Việt Nam. Chính vì vậy, người dân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến cây trồng này, tại một số nơi như: Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc…, phong trào trồng mới diễn ra khá sôi nổi.
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đến cây sở
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha sở với năng suất 15.000 tấn. Tuy nhiên, các rừng sở trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đối mặt với một số vấn đề như: quả to nhưng tỷ lệ hạt thấp, tỷ lệ dầu chưa cao, năng suất còn hạn chế. Đặc biệt, sở là cây ra hoa kết quả liên tục nhưng tập quán thu hoạch lạc hậu khiến quả bị thối, hỏng cao dẫn đến giá thu mua thấp.
Trồng sở đang trở thành phong trào tại một số huyện. Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng này, các cơ quan liên quan cần sớm có nghiên cứu về hiện trạng, sản lượng, diện tích, khả năng đất đai, kỹ thuật canh tác… Cùng đó, cần thiết lập vườn ươm, thay thế bộ giống cũ bằng bộ giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Lạng Sơn.
Hiện tại, đầu ra cho cây sở trên địa bàn huyện Can Lộc đã dần ổn định hơn
Ông Lộc Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết, gia đình ông có 6 sào đất đồi rừng chủ yếu trồng cây sở, hơn 20 năm nay. Theo đó, cây sở trồng rất đơn giản, tháng Giêng gieo hạt, tháng 3 - 4 âm lịch đã mọc, cây cao khoảng 20 - 30cm đã trồng được. Sở ra hoa từ tháng 2, thu hoạch vào tháng 9, 10 hàng năm.
Cách trồng sở cũng không khó, chỉ cần đào hố sâu, rộng 20 x 30 cm, hàng cách hàng 3m. Trước khi trồng rắc một ít phân NPK sau đó lấp đất là xong. Hàng năm, sau khi thu hái, phải phát dọn sạch sẽ cây tạp, giây leo. Cây sở cao từ 2,5 - 6m, việc thu hái quả đơn giản như cây hồng, cây mận ở Cao Lộc.
Theo đó, 1 kg sở khô tại vườn có giá 20.000 đồng, quả tươi 8 – 10.000 đồng/kg (vỏ quả tươi dày như vỏ mắc ca). Nếu muốn để bán hạt, chỉ cần phơi nắng ra sân, quả sẽ tự nứt như hạt dẻ cười và chỉ việc lấy hạt.
“Hiện, toàn xã Hải Yến có trên 50 ha sở, đầu ra rất thông thoáng, tại xã đã có người thu mua, đi bán trong tỉnh và đưa sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có 200 - 300 cây hồi, giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg", ông Hoàng cho biết.
Thời gian gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có nhà máy ép dầu sở nên cây sở, cây hồi đang được huyện Cao Lộc đẩy mạnh phát triển thành cây chủ lực của địa phương. Do đầu ra tốt, ít phải chăm sóc, tận dụng được đất trống đồi trọc.
Nếu so với đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh, thì bà con nơi đây chăm sóc 2 loại cây nói trên tốt hơn ở Cao Lộc, thu hoạch cũng cao hơn”, ông Hoàng cho biết thêm.
Sở là cây họ chè nên rất dễ sống và đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn. Cùng với đó, ngoài tinh chế làm dầu ăn, mỹ phẩm thì bã từ quả sở có thể dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu, thau rửa ao đầm… Chính vì vậy, nếu đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đây sẽ là cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Khánh Hòa