Liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ, căn cơ là vấn đề hết sức quan trọng trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Việt Nam hiện nay. |
Không tạo vùng lớn thì không có chuỗi nông sản
Liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ, căn cơ là vấn đề hết sức quan trọng trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Việt Nam hiện nay. Do đó, cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng công nghệ hiện đại, tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, doanh nghiệp...
Để hình thành chuỗi liên kết vùng, liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản, phát triển vùng nguyên liệu với quy mô lớn, bài bản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải sửa Luật Đất đai.
Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc sửa đổi những vướng mắc tại Luật Đất đai sẽ giúp đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.
TS. Trần Đình Thiên đã thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu những quy định về tiếp cận đất đai chưa được tháo gỡ thì khó đẩy mạnh liên kết vùng. "Nhiều người giàu lên vì đất đai nhưng chi phí về đất đai cũng cản trở sự phát triển ghê gớm, không giải quyết nút thắt thì kéo lùi sự phát triển", ông Thiên nêu thực tế.
Vì vậy, chuyên gia này kỳ vọng sắp tới khi Luật Đất đai được sửa đổi sẽ giúp giải quyết những nút thắt trên, sửa phần gốc thay vì ngọn. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến khó lường từ thị trường thế giới, ông Thiên cho rằng cần giải quyết được bài toán liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có liên kết vùng, ngành để tận dụng được thời cơ. "Chúng ta cần nắm lấy thời cơ này để xử lý triệt để", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Sản xuất đối với nông nghiệp hiện nay ngày càng định hình rõ theo chuỗi chứ không phải sản xuất mạnh ai nấy làm. |
Nhìn nhận thực trạng trong thời gian qua, TS. Trần Đình Thiên thẳng thẳng chỉ rõ: Liên kết vùng chưa thực sự thành công về thực tiễn, nếu không muốn nói là thất bại. Liên kết vùng phải có điều kiện tiên quyết nền tảng, nối kết các điều kiện tiềm năng, gắn bó với nhau không, trình độ xuất phát để bảo đảm có vùng phát triển thật, nếu không làm rõ, lập vùng ra thì không thể phát triển được. Thêm vào đó, có cơ chế vận hành và thể chế điều hành phát triển vùng.
"Sản xuất đối với nông nghiệp hiện nay ngày càng định hình rõ theo chuỗi chứ không phải sản xuất mạnh ai nấy làm, đã nói chuỗi công nghệ cao thì phải có doanh nghiệp", ông Thiên nói.
Cũng theo TS. Trần Đình Thiên, thị trường nông sản Việt Nam giờ là thị trường thế giới, thế giới cần gì, quy mô, tốc độ thế nào thì doanh nghiệp, nông dân Việt Nam phải đáp ứng được. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm thách thức thay đổi.
Để đáp ứng được những yêu cầu trên, quay trở lại câu chuyện ban đầu, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, không tạo vùng lớn thì không có chuỗi nông sản. Có cơ chế liên vùng tốt thì mới đảm bảo liên kết phát triển mạnh được. Liên kết vùng để tận dụng được hết thời cơ phát triển.
Kết nối các chuỗi thúc đẩy sự hội nhập
Về quy hoạch vùng, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công – nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.
Từ việc đi khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ở một số quốc gia phát triển, TS. Trần Thị Hồng Minh gợi ý, cần tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
Cũng theo Viện trưởng CIEM, cần cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn.
Sửa đổi những vướng mắc tại Luật Đất đai sẽ giúp đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. |
Về các mô hình mới góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh đề cập 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là gia tăng ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới.
Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm sớm bắt nhịp phục hồi kinh tế và chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Theo đó, việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phải hướng tới tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài./.