Phí đọc báo đến từ độc giả là nguồn thu quan trọng của nhiều tờ báo điện tử lớn trên thế giới. |
Báo chí thiếu hụt nguồn thu
Theo báo cáo của Cục Báo chí, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Các cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn, thách thức với mạng xã hội, doanh thu quảng cáo sụt giảm, đặc biệt với báo in. Qua khảo sát của Bộ TT&TT với 159 cơ quan báo chí, trong 2 năm trở lại đây doanh thu đều giảm, doanh thu các đài PTTH năm 2021 giảm 10% so với năm 2020. Nhiều người đặt kỳ vọng vào doanh thu từ thu phí nội dung báo điện tử, song vẫn cần nhiều thời gian để nguồn thu này bền vững.
Tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 do Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức đã nêu ra nhiều vấn đề về thực trạng báo chí Việt Nam hiện nay. Trong đó, một trong những khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tài chính, cụ thể là việc khai thác nguồn thu để vận hành tòa soạn.
Các cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn, thách thức với mạng xã hội, doanh thu quảng cáo sụt giảm, đặc biệt với báo in. |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, kinh tế báo chí là mối lo hàng ngày nhưng trên truyền thông chưa có nhiều diễn đàn nói về kinh tế báo chí.
“Diễn đàn lần này được tổ chức vào đúng thời điểm trên thế giới các nền tảng mạng xã hội lớn nhất, kiếm được doanh thu quảng cáo nhiều nhất giờ đây đang đứng trước xu hướng sụt giảm và sa thải hàng loạt nhân viên. Theo chia sẻ, cuối năm 2022 vừa qua doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Đến đầu năm 2023 vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Đồng quan điểm về những khó khăn của báo chí, ông Ngô Việt Anh - Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử (báo Nhân Dân) cho biết, báo chí có nhiều khó khăn trong việc tăng nguồn thu.
“Báo chí khó khăn trong việc cạnh tranh truyền thông xã hội, thiếu cơ chế đặt hàng báo chí, và tình trạng vi phạm bản quyền. Cùng với đó, báo chí đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa phù hợp”, ông Ngô Việt Anh nói.
Theo ông Ngô Việt Anh, Việt Nam hiện nay nhiều cơ quan chưa rạch ròi giữa việc tuyên truyền và truyền thông chính sách. Đây là nguồn thu rất lớn của các cơ quan báo chí, thậm chí là nguồn thu quan trọng. Hiện các cơ quan báo chí có quan tâm nhưng chưa đầy đủ. Ông Ngô Việt Anh đưa ra một mô hình đặt hàng điển hình tại Hàn Quốc có thể tham khảo.
“Họ có quỹ báo chí quốc gia, là cơ quan thuộc chính phủ, tập hợp tất cả đặt hàng từ các cơ quan nhà nước. Họ đánh giá đặt hàng của các cơ quan đó phù hợp với đơn vị báo chí nào sau đó thực hiện giống như mời thầu”, ông Ngô Việt Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Ngô Việt Anh, sau khi sản phẩm ra, họ sẽ đánh giá, đưa các cơ quan báo chí vào các nhóm A, B… sau đó để các bộ, ngành lựa chọn.
Tháo gỡ khó khăn cho báo chí từ chính sách
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, mặc dù những nguồn lực khác được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, nhiều cơ quan vẫn còn lúng túng trong việc tháo gỡ. Đây cũng chính là một phần trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách hiện chưa kịp thời.
Ông Lâm cũng cho biết, những vấn đề vướng mắc như thuế, đặt hàng… sẽ được bộ tổng hợp và báo cáo với Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội.
“Thời gian tới, khi Thủ tướng ký chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách, các địa phương sẽ bố trí nguồn lực cho truyền thông chính sách, trong đó có đặt hàng báo chí và truyền thông cơ sở. Trong năm nay, chắc chắn sẽ có kết quả”, ông Lâm nói.
Tại buổi làm việc của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội với Bộ Thông tin và Truyền thông về kinh tế báo chí và hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí diễn ra vào đầu tháng 3/2023, đã nhận định: Trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có. Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, doanh thu quảng cáo báo chí sụt giảm, 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng chiến lược kinh tế báo chí mang tính tổng thể, dài hạn. “Kinh tế báo chí, kinh tế truyền thông cũng phải trở thành một ngành công nghiệp văn hóa”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Báo chí phải nỗ lực đổi mới để bắt nhịp xu thế thời đại. |
Thủ tướng Chính phủ trăn trở với khó khăn của báo chí
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023). Tại đây, Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là vấn đề về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.
Trăn trở về vấn đề tài chính báo chí, người đứng đầu Chính phủ đồng tình với các kiến nghị tăng đặt hàng cho cơ quan báo chí, giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu trên cơ sở cân đối nguồn lực.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý cần tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, liên kết trong hoạt động báo chí để nhà báo bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm với công việc, để tâm sáng, lòng trong, bút sắc, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao.
Cũng tại buổi làm việc Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn…
Đưa ra dự báo tình hình tới đây còn nhiều thách thức, Thủ tướng cũng gợi mở nhiều vấn đề để báo chí nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra.
"Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại", Thủ tướng nhấn mạnh./.