Đã kết nối 1.200 đầu mối cung cầu tiêu thụ nông sản tại miền Nam Hơn 80.000 tấn sầu riêng và bơ của tỉnh Đắk Lắk ‘bí’ đầu ra Kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Tổ trưởng Tổ công tác 970 Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn. Diễn đàn có trên 300 điểm cầu trực tuyến trong nước là Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổ trưởng Tổ công tác 970 Trần Thanh Nam (ngồi giữa) chủ trì diễn đàn |
Đã có 1.431 đầu mối cung cấp hàng nông sản vào TPHCM
Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II, Bộ NN&PTNT cho rằng: Thời gian qua có nhiều địa phương bị ùn ứ nông sản, hoặc khi doanh nghiệp đặt đơn hàng về thì địa phương không thu gom đủ số lượng để giao. Do đó, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã tổ chức hình thành đầu mối tại các địa phương để thu gom. Đến nay, Tổ công tác 970 đã hình thành 1.431 đầu mối (tại 29 tỉnh, thành) cung cấp hàng nông sản vào TPHCM, bao gồm cả tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp có đủ năng lực thu gom, sơ chế, chế biến và lưu thông đưa hàng nông sản vào TPHCM.
Các đầu mối này sẽ cung ứng các nhóm hàng rau, củ, quả, trái cây, thủy sản, lương thực thực phẩm. Ông Hải nhấn mạnh, thành công này đến một phần từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa sản lượng, giá cả, thời điểm thu hoạch, khả năng vận chuyển lên trang htx.cooplink.com.vn để người mua và người bán trực tiếp liên hệ với nhau.
Tuy nhiên, Tổ công tác nhận thấy sự bất thường là từ tháng 9/2021 đến nay có sự ùn ứ của sản phẩm rau lá làm gia vị như sả, ghiền, gừng, ngò gai, rau om…Một số tỉnh đã thực hiện nhật ký sản xuất bằng điện tử, các đơn vị sản xuất ở tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị thu mua, từ đó đơn vị thu mua nắm được hoạt động chăm sóc rau, củ, quả từ việc phun thuốc, bón phân, ngày thu hoạch.
Trong điều kiện phòng, chống Covid-19 tại TPHCM như hiện nay, sự đa dạng của các nhóm ngành hàng đã giúp ổn định nguồn hàng cho thành phố. Ngoài ra, sự kết nối này cũng là cơ hội để hình thành lại hệ thống phân phối của từng địa phương. Như thời gian qua, các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang rất năng động trong kết nối, nên lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi tiêu thụ rất tốt. Các địa phương khác nếu muốn cung cấp hàng hóa về TPHCM thì lãnh đạo các Sở, ngành nên tham khảo cách làm của các tỉnh nêu trên.
Đặc biệt, sản phẩm VietGAP, GlobalGAP tiêu thụ rất tốt, thậm chí thiếu hàng. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa có VietGAP đã áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, đưa mã QR Code cho nhà thu mua để người mua biết được quy trình chăm sóc, số lần phun thuốc, thời gian phun thuốc để họ yên tâm mua hàng. Riêng sáng kiến về gói combo nông sản của Tổ 970 được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là mô hình mới ở Việt Nam, được người dân, hệ thống phân phối ủng hộ. Một ngày, doanh thu đặt hàng từ gói combo là 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện mới giao được 20 - 30% gói combo do khó khăn về đi lại. Sang giai đoạn 2, Tổ 970 sẽ mở rộng, đưa số liệu trực tiếp từ nhà cung cấp đến các điểm đặt hàng để hai bên tự thương lượng điểm giao hàng. Nếu từ 100 đến 200 combo trở lên, thì chỉ 1-2 ngày sau hàng sẽ đến TPHCM.
“Sáng kiến nữa của Tổ 970, đó là xe bán hàng lưu động từ tỉnh lên TPHCM. Tỉnh chào hàng combo từ 2 - 3 ngày trước, công bố cho phường, quận trên thành phố biết thông tin mua hàng. Đây là hình thức bán hàng trực tiếp từ trang trại lên, không qua trung gian, chi phí vận hành thấp. Các tỉnh nếu có khả năng, Tổ 970 cũng sẽ liên hệ giúp, ít nhất 1 tuần 2 lần, hình thành kênh phân phối mới”, ông Trần Minh Hải nói.
Các túi combo nông sản giá rẻ giúp người dân yên tâm chống dịch. |
Nông sản ùn ứ, dư thừa
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện HTX Nông nghiệp Evergrowth tỉnh Sóc Trăng, cho biết thời gian vừa qua, việc tiêu thụ sản phẩm sữa bò của đơn vị đã gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có thời điểm người nông dân đã phải đổ sữa bỏ đi.
“Thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sữa trong 100.000 gói combo nông sản, qua đó đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng cho người dân”, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Là tỉnh có nguồn cung dồi dào về các loại thủy sản, Sóc Trăng bày tỏ nguyện vọng được kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để sản xuất các đơn hàng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Trần Trọng Khiêm đề nghị, các đơn vị tiêu thụ cần đưa yêu cầu cụ thể về mặt hàng tươi sống, chẳng hạn sơ chế hay chế biến sâu như thế nào, để các nhà máy Sóc Trăng đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
“Được biết TPHCM muốn có lượng cung dồi dào, ổn định về thực phẩm tươi sống, nên Sóc Trăng đã làm việc với các tổ hợp tác, HTX. Bên sản xuất đồng ý ký hợp đồng thương mại để sản xuất theo yêu cầu. Tỉnh cam kết sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, và kiểm dịch”, ông Trần Trọng Khiêm nói.
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, tình hình tiêu thụ nông sản tại địa phương, đến ngày 9/9/2021, sản lượng trái cây các loại, rau màu, dưa hấu, dừa uống nước, dừa công nghiệp… có sản lượng tiêu thụ đều tăng so với những ngày trước đó do các doanh nghiệp, thương lái đã hoạt động trở lại nhiều hơn. Tuy nhiên, các mặt hàng rau màu tại huyện Ba Tri đến kỳ thu hoạch nhưng tiêu thụ chậm như: Hẹ, rau đắng, ớt sừng, rau má, củ sắn… Ước trong tháng 9/2021, Bến Tre có các sản phẩm cần tiêu thụ như: Dê thịt 168 tấn; sò huyết Thạnh Phú 310 tấn (từ 70 đến 110 con/kg); cá rô đồng Ba Tri 6 tấn…
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cũng khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của Tổ 970. Tuy nhiên, tỉnh này nêu khó khăn về việc cá tra còn tồn nhiều, chuẩn bị quá lứa do các nhà máy không sản xuất được 100% năng suất như trước dịch.
Về tình hình sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nêu đề xuất ngân hàng hỗ trợ cho nông dân tái đầu tư sản xuất do hiện tại “nông dân đã khá đuối về vốn”.
Tại tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai Trần Lâm Sinh thông tin, hiện tỉnh có ba nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ. Đó là trái cây dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn. Các sản phẩm chăn nuôi, gồm: gà lông trắng dư thừa 200 nghìn con, vịt dư 80 nghìn con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300 nghìn con. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm. Với lượng sản phẩm lớn như vậy, việc kết nối với TPHCM để tiêu thụ là rất cần thiết.
Phát biểu tại diễn đàn Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Sắp tới, diễn đàn này sẽ duy trì 1 tuần/lần với từng chủ đề khác nhau, qua đó giúp ngành nông nghiệp các cấp rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước.
“Tất cả các Sở, doanh nghiệp, HTX hãy quan tâm đến diễn đàn này nhằm tạo kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ, nâng chất lượng hàng hóa, giúp đáp ứng nhu cầu thị trường. Sở nào chưa thành lập thì nên thành lập Tổ kết nối tiêu thụ nông sản, gắn với Tổ 970 của Bộ NN&PTNT”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Chợ đầu mối Bình Điền sớm mở hội nghị trực tuyến để kết nối nguồn hàng nông sản tại các tỉnh vào chợ, chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động lại trong thời gian tới.
Diễn đàn trực tuyến về kết nối tiêu thụ nông sản còn là kênh để quảng bá, giới thiệu nông sản trong cả nước đến với doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu; đồng thời đưa ra định hướng, giải pháp tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.