Chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật Tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh Marburg đặc biệt nguy hiểm xâm nhập |
Tình hình kiểm soát bệnh lao tại Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong hai năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.
Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc. Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao: có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với những “chi phí thảm họa” - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, vì vậy bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
“Với chủ đề Việt Nam chiến thắng bệnh lao như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao,. Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao toàn cầu, đây là một mục tiêu rất tham vọng nhưng hết sức có ý nghĩa vì cứu sống hàng chục ngàn người dân Việt Nam mỗi năm, đồng thời vừa là động lực lớn với các nước trên thế giới về mô hình tốt đã làm giảm dịch tễ bệnh lao trong những năm gần đây” - Thứ trưởng nói.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu |
TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, hai năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.
Theo TS.BS. Đinh Văn Lượng, năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình phòng, chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 là năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. "Mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng, 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện." -, TS Đinh Văn Lượng nói.
TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu |
Mục tiêu đề ra
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế, Chương trình Phòng chống lao Quốc gia sẽ cần phải tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ như:
Thứ nhất, tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống lao, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng, chống lao từ Trung ương tới địa phương;
Thứ hai, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; đẩy mạnh triển khai các tiếp cận mới như phát hiện chủ động, phát hiện bệnh lao trong các nhóm nguy cơ; mở rộng mạng lưới phòng, chống lao như: phối hợp y tế công tư; phối hợp giữa chương trình phòng, chống lao và HIV; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự trong công tác phòng, chống lao như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…;
Thứ ba, vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm Y tế, xã hội hoá…
Để có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, Chương trình phòng, chống lao cần nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện, nhanh chóng, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm thụ động, chủ động, tích cực, phối hợp y tế công – tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở đa khoa và chuyên khoa.