Thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp, thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ công tác cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc thành phố theo quy định và thu được những kết quả rõ nét.
Đáng chú ý, thời gian qua thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp thoái vốn giúp các nhà đầu tư tích cực tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp khi nhà nước thoái vốn.
thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển sang công ty cổ phần 56/56 doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015
Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Theo thống kê, đến nay thành phố đã quyết định chuyển 56/56 doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015.
Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố tiếp tục thực hiện các bước trong quy trình cổ phần hóa để hoàn thành quyết toán hậu cổ phần, chính thức bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần; trong giai đoạn 2016-2019, thành phố đã bàn giao 52/56 doanh nghiệp. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung giải quyết vướng mắc hậu cổ phần hóa giai đoạn trước năm 2011 tại 4 doanh nghiệp.
Đối với kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và triển khai công tác cổ phần hóa tại 15 doanh nghiệp. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành phương án cổ phần hóa: Tổng công ty Thương mại Hà Nội; phê duyệt 4 phương án sử dụng các cơ sở nhà, đất sau cổ phần hóa đối với Tổng công ty Thương mại Hà Nội và 3 công ty TNHH một thành viên, Môi trường đô thị Hà Nội, Nước sạch Hà Đông, Điện ảnh Hà Nội. Trong đó đã rà soát 254 địa điểm nhà đất, thu hồi 73 địa điểm, giao doanh nghiệp tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa 181 địa điểm.
Đối với các doanh nghiệp còn lại, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai các bước trong quy trình cổ phần hóa như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách chế độ về cổ phần hóa; thành lập Tổ giúp việc BCĐ cổ phần hóa; phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ cổ phần hóa; xây dựng dự toán chi phí cổ phần hóa; lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp; rà soát, kiểm tra hiện trạng, phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ...
Về thoái vốn, đã hoàn thành thoái vốn nhà nước đầu tư tại 4/34 doanh nghiệp (các công ty cổ phần: Xích líp Đông Anh, Nhựa Hà Nội, Điện cơ Thống Nhất, Quản lý và xây dựng đường bộ 1 Hà Tây), tổng giá trị thực hiện thoái vốn theo sổ sách kế toán là 161 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về 873 tỷ đồng, chênh lệch tăng 712 tỷ đồng. Cùng với đó, hoàn thành thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại 24/67 doanh nghiệp, tổng giá trị thực hiện thoái vốn theo sổ sách kế toán là 182 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về 572 tỷ đồng, chênh lệch tăng 390 tỷ đồng.
Trước đó, như Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, có rất nhiều văn bản, nghị định hướng dẫn cổ phần hóa nhưng chỉ hướng dẫn cho phần đất của nông lâm trường. Trong khi đó, Hà Nội là đô thị, đụng đến chỗ nào cũng là đất vàng, dễ bị dư luận lên án. Vì thế, khi thực hiện cổ phần hóa chính quyền TP sẽ cùng doanh nghiệp trên địa bàn đưa ra phương án, công khai, minh bạch mới giải quyết được.
Tại cuộc họp báo tổng kết kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2019, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương và bản thân DNNN chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa, đã kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa.
Hạ Vy