![]() |
"Tôn xơ mướp" bên những sản phẩm đã sơ chế đem phơi, ép tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu |
Giám đốc "đốt thuyền" cả họ bảo... điên
Anh Tạ Quý Tôn từng có 12 năm làm trong ngành ngân hàng (trong đó 7 năm làm trong nước và 5 năm làm ở Úc). Giữ chức vụ cao nhất là đứng đầu một chi nhánh, anh Tôn thường xuyên gặp gỡ giám đốc hay kế toán trưởng các tập đoàn, doanh nghiệp để bàn về những hợp đồng tài chính.
Năm 2019, anh có xe ô tô, nhà riêng ở Hà Nội, thu nhập trên 100 triệu một tháng. Tuy nhiên đổi lại, quá bán thời gian trong tuần, anh vùi mình trong những cuộc nhậu để chăm sóc các mối quan hệ làm ăn, mở rộng và tìm kiếm khách hàng. Anh Tôn thậm chí phải cạnh tranh với các đồng nghiệp ở chi nhánh khác để đạt chỉ tiêu doanh số.
"Họp hành, công tác, tiếp khách liên miên. Guồng quay áp lực cứ lặp đi lặp lại, tính chất công việc không thay đổi khiến tôi dần cảm thấy nhàm chán và muốn bước ra khỏi vùng an toàn", anh Tôn nói.
![]() |
Anh Tạ Quý Tôn bỏ ngân hàng về quê lội ruộng trồng mướp. |
Vậy là năm 2019, Tạ Quý Tôn quyết định xếp hàng chục bộ vest vào tủ, bỏ kính cận, xắn quần lội ruộng làm nông dân, cả họ bảo anh bị khùng.
Trong mắt bà Nguyễn Thị Á (mẹ anh Tôn) và họ hàng, việc đứa con học giỏi nhất dòng họ, từng du học, 6 năm định cư ở nước ngoài, đang là giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội... bỗng dưng bỏ hết tất cả để về quê làm nông dân là điều không thể hiểu nổi.
Nhiều người khuyên Tôn vừa làm ngân hàng vừa kết hợp khởi nghiệp, nhưng anh cho rằng phương án đó chỉ khiến anh do dự, thui chột dần quyết tâm. "Xác định nghỉ việc là đốt thuyền. Tôi muốn tập trung tuyệt đối cho sự nghiệp mới này, chỉ được tiến, không được lùi", anh giải thích.
![]() |
Một góc vùng trồng mướp ở Thuận Thành của anh Tôn. |
Tạ Quý Tôn kể, trước đây anh từng có ý định định cư hẳn ở nước ngoài. Năm 2018, bố mất, anh Tôn về nước để gần mẹ. Anh cùng vài người bạn mở cửa hàng thực phẩm sạch, mỗi ngày đều tự lái xe từ Thuận Thành, Bắc Ninh ra Hà Nội làm việc. "Nhưng tuần 6 ngày thì 5 ngày tôi về khi đã say do tiếp khách liên tục", anh nói.
Một năm khởi nghiệp từ thực phẩm sạch không thành, anh Tôn quyết định nghỉ hẳn việc ngân hàng về quê làm sản phẩm từ xơ mướp. "Tôi nghĩ ở tầm tuổi này, chưa vướng bận gia đình, nếu không khởi nghiệp thì không còn cơ hội nữa. Tôi cũng muốn sống một cuộc sống khác, lấy đam mê làm động lực", anh nói.
Về quê viết lại số phận cho sơ mướp
Thời gian sống ở nước ngoài, anh Tôn nhận thấy ở các nước phát triển, nông dân - người sở hữu tư liệu sản xuất mới là tầng lớp giàu có nhất, còn ở Việt Nam, nông dân lại là người nghèo nhất.
Chàng trai Việt cũng ngạc nhiên khi các sản phẩm làm từ xơ mướp, một loại quả bình dân ở quê mình nhưng ở nước ngoài, giá rất cao, chỉ các nhà hàng, khách sạn hạng sang mới có.
"Đang làm việc văn phòng sạch sẽ, thoải mái, tự nhiên lại về dầm mưa dãi nắng. Bố mẹ cho đi học để thoát khổ, thoát được rồi còn cắm đầu về", bà Nguyễn Thị Á, 63 tuổi, khóc mắng con. Bà mẹ thuyết phục cô, dì, chú, bác... hai bên nội ngoại cùng nói vào để ngăn cản và khuyên nhủ con trai từ bỏ ý định.
Nói con không được, bà nhờ họ hàng tỏa đi gặp các chủ đất trong xã, dặn họ không cho Tôn thuê đất trồng mướp. Kết cục, anh con trai phải trả 500 nghìn đồng để thuê một sào đất, thay vì 300 nghìn đồng như giá thị trường.
![]() |
Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh Tôn xuất khẩu ra thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu... hàng chục nghìn sản phẩm từ sơ mướp. |
Anh thuê nhân công trồng, thu hoạch mướp. Nhưng dưới tác động của bà Á, không ai trong làng chịu làm việc cho Tôn. Anh đành phải đến vùng khác tìm người về làm.
Phản đối không được, thấy con cháy nắng ngoài đồng, bà Á thương, vác cuốc ra làm cùng. Thấy anh phó giám đốc xưa mặc vest lái xe về làng mỗi ngày, nay quần xắn quá gối, đội nón dầm mưa dãi nắng, người làng thở dài "thằng này sao số khổ quá!". "Các dì, các bác cũng mắng nó làm khổ mẹ già, nên nó không cho tôi ra đồng nữa. Cứ ra lại đuổi về", bà Á kể.
Năm đầu khởi nghiệp, anh đầu tư 500 triệu đồng. Hai hecta đất thuê được, Tôn chỉ trồng mướp trên diện tích khoảng hai mẫu để sản xuất sản phẩm thăm dò thị trường.
Sáu năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng ở nước ngoài giúp anh có kết nối với mạng lưới doanh nghiệp rộng khắp. Hơn 10.000 sản phẩm đầu tiên hoàn thiện, anh Tôn đều gửi ra nước ngoài tặng để chào hàng. Sản phẩm gửi đi nhận được phản hồi tốt. Những đơn hàng bắt đầu xuất hiện. Lúc này, anh Tôn mở rộng diện tích trồng mướp lên hai hécta, đồng thời kết nối với các hộ nông dân để thu mua xơ mướp.
"Tôn xơ mướp" mãn nguyện với nụ cười của mẹ
Năm thứ hai, anh Tôn vay hơn 1 tỷ đồng để mở rộng sản xuất thì dịch bệnh bùng phát. Đúng thời điểm tháng 5 đến tháng 7, vùng Thuận Thành quê anh là tâm dịch nên bị phong tỏa diện rộng.
Thời điểm này, anh Tôn có thể để mướp già chờ ngày thu hoạch. Tuy nhiên, vì thấy nhiều vùng phong tỏa thiếu rau quả, anh đã xin phép địa phương được ra đồng thu hoạch mướp ủng hộ bà con.
Sau khi dịch bệnh bớt căng thẳng, anh lại đi vay tiền mua lại xơ mướp già của người dân để mang về làm hàng, sản xuất. May mắn từ năm 2022 trở đi, sản phẩm của anh bắt đầu được các đối tác ủng hộ nên hoạt động sản xuất có nhiều khởi sắc.
![]() |
Công nhân gia công, sản xuất sản phẩm từ xơ mướp tại xưởng của anh Tôn ở Thuận Thành, Bắc Ninh. |
Đơn hàng về nhiều nhưng không có nhân công, anh thuê thêm lao động thời vụ. Vì nhiều người làm ẩu, sản phẩm không đạt yêu cầu bị trả về, anh Tôn bị phạt hợp đồng. Anh không phạt người làm, nhưng cho họ xem biên bản phạt tiền phạt tính bằng đô la. Người làm thấy rõ mức độ nghiêm trọng nên đã ý thức làm chỉn chu hơn.
Ba năm khởi nghiệp, anh Tôn nhẩm tính, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng anh chỉ trả lương cho mình được khoảng 20 triệu đồng. Mức thu nhập tính ra bằng 1/5 so với năm 2019. Tuy vậy, anh Tôn nhận thấy bản thân luôn hứng khởi với công việc "viết lại số phận cho xơ mướp".
Mỗi tháng, anh xuất khẩu ra thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu... hàng chục nghìn sản phẩm. Từ những miếng xơ mướp già bỏ phí, anh đã biến chúng thành những sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường như đế giày, bông tắm, bông massage mặt, đai kỳ lưng, búi cọ rửa chén bát... Nhiều sản phẩm có giá lên tới vài ba đô la.
Ngoài việc tự trồng mướp, anh Tôn còn kết hợp với nông dân ở Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, một số tỉnh Tây Nguyên để mở rộng vùng nguyên liệu. Người nông dân có thể cắt mướp non bán nếu thấy được giá. Nếu mướp non rẻ hoặc để bị quá lứa, không kịp thu hoạch, họ có thể bán cho anh Tôn.
Ông Phạm Văn Liểu, 60 tuổi, ở Lương Tài, Bắc Ninh, một năm nay làm đơn vị thu mua xơ mướp của nông dân các huyện Bắc Ninh cung cấp cho anh Tôn. Ông Liểu cho biết, lợi nhuận kinh tế từ một sào trồng mướp bằng một mẫu cấy lúa.
"Có doanh nghiệp của anh Tôn thu mua xơ mướp, người nông dân tận dụng được mướp già để bán, chủ động hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn. Nếu hôm nào bận không thể cắt mướp non bán, họ có thể để lại mướp già lấy xơ", ông phân tích.
![]() |
Anh Tôn kiểm tra chất lượng xơ mướp thành phẩm trước khi xuất ra thị trường. |
Lên kế hoạch sau 5 năm khởi nghiệp sẽ có lợi nhuận, nhưng sau ba năm, anh Tôn đã có doanh thu trung bình 3 tỷ đồng, bắt đầu hoàn vốn và có lời. Về quê làm chủ, anh không còn phải quay cuồng với lịch tiếp khách, với những trận say. Anh được tự chủ hơn trong cuộc sống và ăn cơm với mẹ mỗi ngày.
Nhìn lại hành trình hơn 4 năm qua, anh Tôn chia sẻ bản thân chưa bao giờ hối hận dù có thời điểm phải đối diện với hàng loạt khó khăn, phải cắm sổ đỏ vay tiền. Ngoài khó khăn của người khởi nghiệp, anh còn mất 2 năm đấu tranh vượt qua rào cản gia đình.
Tuy nhiên, thời điểm này mọi người đã tin tưởng và bắt đầu ủng hộ, hỗ trợ anh. Anh Tôn cũng thở phào nhẹ nhõm khi trên gương mặt của mẹ mình còn không còn ưu phiền vì quyết định rời ghế giám đốc ngân hàng về quê làm nông dân của đứa con trai nữa./.